Các nước phương Tây đã hứa cung cấp cho Kiev 60 tiêm kích F-16, nhưng đến nay chưa có chiếc nào được giao.
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất (ảnh: CNN)
Hôm 27/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này tiến hành tập kích một loạt sân bay của Ukraine, nghi có thể được sử dụng để tiếp nhận tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ.
Vũ khí tầm xa trên biển, tên lửa siêu thanh Kinzhal và máy báy không người lái (UAV) được sử dụng để tập kích nhiều “hạ tầng sân bay của Ukraine, nơi dự kiến tiếp nhận các chiến đấu cơ từ phương Tây”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
“Nhiệm vụ của hành động đã hoàn thành. Tất cả mục tiêu chỉ định đều bị đánh trúng”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, không nêu thêm chi tiết.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước thành viên NATO như Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan cam kết gửi cho Ukraine 60 tiêm kích F-16 trong năm 2024.
Đến nay chưa có chiếc F-16 nào được gửi tới Ukraine
Lý do viện trợ bị trì hoãn được cho là bởi các phi công Ukraine chưa hoàn thành khóa huấn luyện điều khiển F-16, theo RT.
Dẫn nguồn thạo tin, hãng tin Nga cho rằng, cho tới cuối năm nay, chỉ có “số ít” phi công Ukraine đủ điều kiện lái F-16. Ukraine cũng không có đủ nhân sự để bảo dưỡng các máy bay phản lực thế hệ mới do Mỹ chế tạo.
Cho rằng Kiev không có đủ phi công để vận hành tất cả 60 chiếc F-16, ông Sergey Golubtsov – lãnh đạo Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine – hồi đầu tháng này đã đề xuất một số tiêm kích có thể đồn trú tại các nước thành viên NATO láng giềng.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước nhấn mạnh, theo thỏa thuận an ninh 10 năm được ký gần đây giữa Washington và Kiev, các máy bay chiến đấu phải được đặt ở căn cứ của Ukraine.
Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng những chiếc F-16 sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp, nếu chúng được gửi tới Ukraine.
Hôm 8/6, Tổng giám đốc công ty Fores của Nga, ông Sergey Shmotyev, đã tuyên bố trao thưởng 15 triệu rúp (khoảng 168.000 USD) cho bất cứ ai bắn hạ chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên ở Ukraine.