Tàu phá băng nguyên tử lớp Lider có lượng giãn nước đầy tải lên tới gần 70.000 tấn, lớn hơn cả tàu sân bay duy nhất đang phục vụ Hải quân Nga (58.000 tấn). Đi kèm với con số khổng lồ này là năng lực hoàn toàn áp đảo.
Tàu lớp Lider có chiều dài 209,2m, trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-400 với công suất nhiệt 315W, cho phép cung cấp tới 120 MW công suất thực cho 4 chân vịt của tàu. Nó có khả năng phá lớp băng dày 4,3 mét ở tốc độ 2 hải lý/giờ.
Với lớp băng dày 2,1 mét, tàu lớp Lider có thể phá băng với tốc độ 12 hải lý/giờ, tương đương tốc độ hành trình trên biển của các tàu phá băng phương Tây.
Đặc biệt, với bề rộng 50 mét, Lider có thể mở đường xuyên Bắc Cực cho bất cứ tàu chở hàng cỡ lớn nào, tại bất cứ thời điểm nào trong năm, giúp chúng có thể vượt qua Bắc Băng Dương trong 10 ngày, giảm hơn nữa thời gian so với trước kia.
Bên cạnh đó, khả năng phục vụ liên tục trong vòng 8 tháng (có thể nhiều hơn nếu được tiếp tế nhu yếu phẩm) của Lider có thể mang tới cho Nga ưu thế tuyệt đối ở Bắc Cực.
Tờ Barents Observer cho hay, tàu phá băng lớp Lider được chế tạo rất phức tạp và có chi phí cực kỳ cao. Vào tháng 1/2020, chính phủ Nga đã phân bổ 127 tỷ rúp để đóng chiếc đầu tiên.
Theo kế hoạch ban đầu, Nga sẽ đóng 3 chiếc Lider. Tuy nhiên, trong Chiến lược Bắc cực mới do Nga công bố, nước này sẽ chỉ chế tạo 1 chiếc tàu duy nhất thuộc lớp Lider. Văn bản sửa đổi được Tổng thống Putin ký ngày 27/2 năm nay.
Chiếc tàu mang tên "Rossiya" đang được hoàn thiện tại nhà máy Zvezda và dự kiến sẽ sẵn sàng ra khơi năm 2027.
Nga sẽ bù đắp việc giảm số lượng tàu lớp Lider bằng cách đóng thêm tàu phá băng lớp LK-60Ya với chi phí rẻ hơn. Hiện tại, Nga đã có 3 tàu phá băng LK-60 đang hoạt động, bao gồm các tàu Arktika, Sibir và Ural.
Tới năm 2035, các tàu Yakutia, Chukotka, Kamchatka và Primorie thuộc lớp này cũng sẽ được hoàn thiện.