Hướng dẫn trẻ tuân thủ luật giao thông từ bậc Tiểu học. Ảnh minh họa/ INT |
“Đến giờ phút này, con chỉ ước không bao giờ sẽ còn phải nhắc đến 2 từ giá như. Giá như con không trốn học, giá như con không tụ tập, giá như con không theo các bạn phóng xe máy trên đường, mang theo hung khí. Dù chưa gây ra hậu quả, nhưng hành vi của con đã được các chú công an chỉ rõ là vi phạm pháp luật, là gây hệ lụy rất xấu, nguy hiểm đối với xã hội. Con đã phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường, và cả bố mẹ. May mắn, là con được các chú công an cảnh tỉnh kịp thời. Nếu không…”, em N.T.P (học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp), người tham gia vụ gây rối trật tự công cộng hôm 12/2 vừa qua chia sẻ.
Còn ông N.V.T, bố của học sinh N.T.P cho biết, ông rất buồn vì hành động của con. Nếu không có sự động viên của nhà trường, của cơ quan công an, chắc ông không đủ tự tin để chia sẻ suy nghĩ của mình.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, để ngăn chặn tình trạng trẻ em hư, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, đơn vị phối hợp với Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với mô hình chuyên đề “Hành trình mái trường an toàn”, có sự tham gia của khoảng 150.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh. Đồng thời, những kiến nghị để hình thành được “bức tường an toàn” cho con trẻ, sẽ được ấn định biện pháp, lộ trình.
Thời gian tới, Công an quận Hà Đông tiếp tục phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh. Đồng thời, xây dựng tài liệu tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong nhà trường, gia đình, học sinh khai thác, nắm bắt, phòng ngừa.
“Các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng để việc mưu sinh cuốn lấy chúng mình. Chúng ta phải làm bạn với các con, phải quan tâm thường xuyên đến các con. Trồng cây sửa đất và nhìn con để tự sửa mình. Con cái có lỗi, có tội, trong đó, có cả phần lỗi, phần trách nhiệm lớn của phụ huynh...”, ông N.V.T cho biết.