Hiện việc cung ứng sách giáo khoa các cấp học đã và đang được triển khai theo đúng kế hoạch. |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin, Bộ GD&ĐT đã có 2 văn bản đôn đốc các địa phương phối hợp chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học mới 2023-2024.
Đến ngày 27/8, NXB Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch SGK các lớp 5, 9, 12 theo Chương trình 2000; SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình 2018. Đồng thời, hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản SGK lớp 4, 8, 11 mới phát sinh.
Cho đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ, NXB Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực để in ấn và cung ứng đủ SGK trước ngày khai giảng 5/9.
Đối với Công ty VEPIC (Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam), đến ngày 30/6, đã in và nhập kho đầy đủ 100% số SGK 1, 2, 3, 6, 7, 10 sản lượng dự kiến phát hành; 40% số SGK các lớp 4, 8, 11 sản lượng dự kiến phát hành. Hiện nay, SGK các lớp 4, 8, 11 đã đầy đủ để kịp thời phục vụ năm học 2023-2024.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Nam Định. |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tới 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục sẽ triển khai trong năm học mới gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh;
Chú trọng công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành Giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng thông tin, năm 2023, tỉ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em. Với quy trình tuyển sinh giữ ổn định như năm 2022 và các cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.