Ngành Lịch sử: Đào tạo và ứng dụng gắn liền với thực tiễn

Việt Dũng | 16/05/2023, 15:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đặc thù của khoa học Lịch sử có tính liên ngành, xuyên ngành cao, điều này giúp sinh viên theo học Lịch sử có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. 

Sinh viên theo học ngành Lịch sử tại các trường đại học cũng được trang bị kiến thức rộng, tư duy cũng như kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực hành nghề nghiệp tốt.

Nhiều trải nghiệm đặc sắc

Lịch sử là ngành học cung cấp cho người học những kiến thức chuyên sâu về nhiều vấn đề của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung như: những vấn đề về Lịch sử kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, giáo dục, ngoại giao, biển đảo…

Ngoài kiến thức chuyên sâu về khoa học Lịch sử, sinh viên còn được trang bị những kỹ năng nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận đánh các sự kiện, vấn đề từ quá khứ đến hiện tại, từ đó có thể vận dụng vào đời sống xã hội đương đại.

Nhận thức tầm quan trọng của khoa học Lịch sử, Võ Quang Vinh - sinh viên chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ: “Lịch sử giúp chúng ta khơi dậy tình yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn và tự hào của dân tộc Việt Nam bất khuất, oai hùng; đem đến kho tàng kiến thức quan trọng để bản thân có thể tự tin truyền tải đến mọi người xung quanh, kể cả bạn bè thế giới”.

Nam sinh viên cảm thấy may mắn khi theo học ngành Lịch sử tại Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM bởi vì chương trình học mang tính ứng dụng cao, truyền thống đào tạo của khoa và đội ngũ giảng viên đầu ngành, giàu thực tiễn. Khoa Lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển qua từng thời kỳ của trường. Việc học tập tại khoa, trường đã đem đến những trải nghiệm sâu sắc trong việc tiếp cận những kiến thức về khoa học lịch sử một cách đa chiều, chuẩn mực.

Quang Vinh cho hay: “Giảng viên thường tổ chức những buổi học thực tế tại các bảo tàng, di tích, di sản văn hoá; các cơ quan, doanh nghiệp, cũng như các buổi sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng để sinh viên tiếp cận trực tiếp với các tư liệu lịch sử và thực tiễn công việc. Điều này giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm và những kiến thức sinh động về lịch sử, văn hóa dân tộc cùng những kỹ năng thiết thực để thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp”.

Ngành Lịch sử: Đào tạo và ứng dụng gắn liền với thực tiễn  ảnh 1
Sinh viên khoa Lịch sử thực tập thực tế tại Bảo tàng Hoàng Sa, Thương cảng Hội An, Đại nội Huế, Thành cổ Quảng Trị, Làng Sen Nam Đàn, Cố đô Hoa Lư, Văn Miếu Quốc Tử Giám và những di sản khác của quốc gia và thế giới - Ảnh: Khoa Lịch sử

Ứng dụng kiến thức khoa học lịch sử vào nghề nghiệp

Với tính liên ngành cao, chú trọng ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM hàng năm sẽ được tổ chức đi thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp; đi khảo sát thực địa tại các di sản, di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Từ đó, sinh viên được trải nghiệm, nghiên cứu thực địa, vận dụng những tri thức đã được tiếp nhận trên giảng đường vào thực tiễn để khám phá những tri thức mới, nâng cao khả năng thực hành nghề nghiệp, có thể ứng dụng những kiến thức, kỹ năng vào nghề nghiệp tương lai.

Hiện là nhân viên của phòng Nghiệp vụ Thuyết minh tại Dinh Độc Lập, chị Trần Huỳnh Mỹ Hạnh cho hay: “Với vai trò là thuyết minh viên cho các đoàn du khách Việt Nam và quốc tế hiểu hơn về di tích và lịch sử văn hoá của dân tộc, mình vô cùng cảm kích các thầy cô của Trường Đại học KHXH&NV đã trang bị cho mình những kiến thức Sử học và các phương pháp nghiên cứu, kỹ năng thực hành nghề nghiệp để mình tự tin, chuyên nghiệp hơn trong quá trình làm việc. Thành công của người học Sử không chỉ là mức độ am hiểu kiến thức mà làm tròn trách nhiệm lan tỏa niềm đam mê học Sử đến cộng đồng và thế hệ kế cận”.

“Hiện nay, có nhiều đơn vị đào tạo nhân lực để đáp ứng cho ngành Du lịch, nhưng người học Sử làm du lịch sẽ là một nhân tố nổi trội để nhà tuyển dụng dễ dàng lựa chọn; đặc biệt là lĩnh vực du lịch di sản văn hoá, du lịch mang tính cội nguồn. Ưu điểm của nhân lực ngành Lịch sử chính là nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc, kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững vàng, từ đó có thể tự tin sử dụng trong công việc và các phương pháp nghiên cứu, khả năng tư duy để giải quyết vấn đề”- Mỹ Hạnh chia sẻ.

Ngành Lịch sử: Đào tạo và ứng dụng gắn liền với thực tiễn  ảnh 2
Mỹ Hạnh còn đảm nhận nhiệm vụ xây dựng các chương trình học tập trải nghiệm khám phá di sản cho học sinh cấp 1, cấp 2 khi đến tham quan tại Dinh Độc Lập - Ảnh: NVCC

Từ năm 2025, Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bên cạnh Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Điều này cho thấy Lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột vững chắc của khoa học xã hội, vì trong thực tế tất cả các ngành đều cần phải có kiến thức lịch sử, lịch sử cần thiết cho tất cả các ngành như kinh tế, du lịch, truyền thông… và kể cả các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị, ngoại giao.

Theo Mỹ Hạnh, “Trong tương lai, Sử học cần đảm bảo tính ứng dụng cao hơn nữa để đào tạo thế hệ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất có thể đáp ứng các công việc của cộng đồng. Người học Sử sẽ không chỉ dừng lại ở tài liệu, giấy tờ mà còn phải dấn thân vào thực tế, để thực hiện nhiệm vụ truyền bá tri thức, nghiên cứu, đúc kết những kinh nghiệm trong quá khứ và góp phần giải quyết vấn đề hiện tại và dự báo cho tương lai”.

PGS.TS Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cho biết sinh viên tốt nghiệp từ khoa Lịch sử đã và đang làm việc trong hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương; làm cán bộ giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, các trường chính trị, trường trung học phổ thông; làm cán bộ quản lý, tham mưu, nghiên cứu trong các cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu, các nhà xuất bản, các bảo tàng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình và ở các công ty, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân về du lịch, văn hóa, truyền thông... Cử nhân Khoa học Lịch sử có cơ hội nghề nghiệp rộng trong nhiều lĩnh vực.

Ngành Lịch sử: Đào tạo và ứng dụng gắn liền với thực tiễn  ảnh 3
PGS.TS Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử - Ảnh: OCER

Khoa Lịch sử hiện đang đào tạo 4 chuyên ngành, gồm: Lịch sử Việt Nam, Khảo cổ học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử thế giới. Đây cũng là ngành được Đại học Quốc gia TPHCM và Trường ĐH KHXH&NV quan tâm đầu tư, hỗ trợ người học. Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Lịch sử đã được kiểm định theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Lịch sử: Đào tạo và ứng dụng gắn liền với thực tiễn