Theo TS Phạm Như Nghệ, thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn ngành học, không trường đại học nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng.
"Thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài. Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố, ngoài yếu tố yêu thích, cũng cần cân nhắc đến điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30/7", TS Phạm Như Nghệ nói.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng nhấn mạnh, thí sinh không nên đợi đến sát "giờ G" mới đăng ký, bởi nếu xảy ra tình trạng nghẽn mạng, thí sinh sẽ sẽ đánh mất cơ hội. Bên cạnh đó, thí sinh không nên chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngay cả khi thí sinh đó đã xét tuyển sớm tại các trường đại học.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến theo sáu cụm tỉnh thành. Hiện Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia với 17 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước).
Từ ngày 12/8-20/8, Bộ GD-ĐT và các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng, qua đó xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh trúng tuyển. Điểm chuẩn đợt 1 sẽ được công bố trước 17h ngày 22/8.