(GDTĐ) - Thời điểm Tết đến xuân về là lúc mọi hoạt động vui chơi, họp mặt, tiệc tùng diễn ra thường xuyên. Làm cách nào để những người mắc bệnh tiểu đường vẫn ăn Tết mà không ám ảnh với chỉ số đường huyết?
Bệnh tiểu đường hay còn được gọi là bệnh đái tháo đường, đây là bệnh lý nội khoa khi người bệnh bị rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, việc này làm cho lượng đường trong máu lên cao. Khi bị mắc bệnh, cơ thể sẽ mất dần đi khả năng sản xuất hormon insulin tự nhiên. Nói một cách dễ hiểu, bạn gặp phải tình trạng đái tháo đường khi lượng đường trong máu quá cao, ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận khác của cơ thể.
Để bệnh không tiến triển nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm trong dịp Tết, người bệnh tiểu đường nên áp dụng cách kiểm soát chỉ số đường huyết tại nhà sau đây:
Dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ: Để điều trị tiểu đường type 2 cần sử dụng thuốc nhóm hạ đường huyết nhằm giúp cơ thể tăng sản xuất insulin, làm giảm tình trạng kháng insulin. Mọi chỉ định về thuốc đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chọn thực phẩm lành mạnh: Tết là thời điểm các gia đình thường chuẩn bị các món ăn dầu mỡ và tinh bột. Thay vì ăn kiêng kham khổ hay nhịn để bỏ đói cơ thể, bạn nên chia nhỏ 5 - 6 bữa ăn theo cách:
Hạn chế các món có dầu mỡ, tinh bột xấu và thay vào đó là bổ sung tinh bột có trong gạo lứt, ngũ cốc nguyên vỏ, yến mạch… Những thực phẩm này vừa có hàm lượng chất xơ cao vừa không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn.
Thực hiện chế độ 3 - 0: Không bỏ bữa - không uống các loại dung dịch chứa nhiều đường, chứa cồn - không ăn nhiều chất béo, quá nhiều chất ngọt. Khi bạn thực hiện chế độ 3 - 0 này, nó sẽ giúp cho bạn có một cơ thể khỏe mạnh mà không có nguy cơ cho những căn bệnh khác có cơ hội phát triển.
Thêm rau xanh vào các bữa ăn: Đây là cách giúp cơ thể kiểm soát lượng dầu mỡ và đường trong máu rất tốt.
Ngũ cốc không đường cũng là một trong những giải pháp tăng dưỡng chất cho cơ thể, và điều hòa lượng đường trong máu sau khi ăn, giúp hạ đường huyết, và giảm cholesterol trong máu rất tốt.
Tập thể dục nhẹ nhàng: Sau khi ăn từ 60 - 90 phút, người tiểu đường nên tập bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực dưỡng sinh. Ngoài ra, hàng ngày bạn có thể thay đổi bằng các bộ môn khác như yoga, đạp xe, bơi lội… giúp cải thiện mức độ nhạy cảm của cơ thể với insulin và hạ đường huyết trong máu.
Tuy nhiên, bạn không nên vận động quá sức khiến cơ thể mệt mỏi, điều này dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng và đường huyết sẽ tăng lên.
Đo đường huyết thường xuyên: Hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên bằng máy đo đường huyết và ghi chép thành nhật ký theo dõi. Thói quen này sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và có số liệu cung cấp cho bác sĩ khi tái khám.
Sử dụng các loại thảo dược tự nhiên: Để hạ đường huyết an toàn và hiệu quả, bạn cần tác động toàn diện lên chu trình chuyển hóa đường để cơ thể thiết lập và cân bằng các rối loạn. Bạn cần kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện với các loại thảo dược truyền thống có tác dụng hạ đường huyết vừa an toàn, vừa làm tăng hiệu quả điều trị.
Duy trì sức khỏe tinh thần, loại bỏ căng thẳng: Dù công việc hay các kế hoạch có dày đến đâu thì những người mắc phải bệnh tiểu đường cũng không nên để cho tinh thần thường xuyên căng thẳng, vì nếu luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, cơ thể không những bị ảnh hưởng mà còn có thể gây ra một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh như đau đầu, chóng mặt…
Sống chung với bệnh tiểu đường không khó, quan trọng là bạn cần chủ động thực hiện những cách phòng ngừa - kiểm soát chỉ số đường huyết một cách có nguyên tắc. Việc tạo cho mình một thói quen ăn uống hợp lý, vận động khoa học không chỉ giúp bạn phòng được bệnh tiểu đường mà còn có thể phòng được một số căn bệnh mãn tính thường gặp khác.