Do vậy, trong các buổi làm việc với nhiều đoàn khảo sát, các cơ quan ban ngành có liên quan, Phòng GD&ĐT Nam Trà My đều đề đạt nguyện vọng cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài. Thế nhưng, việc “chảy máu” nhân lực trong ngành Giáo dục ở Nam Trà My vẫn diễn ra hàng năm. Thậm chí, tình trạng nhiều giáo viên biên chế đăng ký dự kỳ thi viên chức giáo dục ở các huyện đồng bằng ngày càng nhiều.
“Từ khi có kết quả thi cho đến ngày nhận quyết định công tác, giáo viên sẽ nộp đơn thông báo nghỉ việc tại trường cũ và chờ đủ thời gian theo quy định nên không vi phạm Luật Lao động. Thậm chí, trước đây, các thầy cô chỉ mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm nên mức lương thấp nhưng khi nộp đơn thi viên chức, họ đã có bằng tốt nghiệp đại học nên mức lương cao hơn, trong khi ở đơn vị công tác cũ chưa kịp điều chỉnh, cập nhật lên hạng”, ông Nhị nêu thực trạng.
Cô Nguyễn Thị Thu Ba tranh thủ giờ ra chơi, sửa lại quần áo đồng phục xin được cho phù hợp với thể trạng học sinh. |
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, mặc dù chưa ban hành văn bản song vai trò, giá trị của nhà giáo trong xã hội luôn được khẳng định là nghề cao quý, quy ước trong giá trị đạo đức, ứng xử như: “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy – nửa chữ cũng là thầy”… Dù vậy, các “truyền thống” trên chỉ mới mang tính chất quy tắc ứng xử, giá trị đạo đức xã hội, thiếu tính ràng buộc. Vì thế, khi ban hành Luật Nhà giáo, trước hết vị thế của người thầy được nâng lên một tầm mới. Trách nhiệm, quyền hạn của nhà giáo, cơ chế chính sách đi kèm, môi trường làm việc… được quy định rõ, cụ thể, phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp.
Ngoài ra, quyền lợi cả về vật chất, tinh thần của nhà giáo được đảm bảo mà các luật khác hiện chưa quy định cụ thể. Và trong trường hợp xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý theo chế tài luật pháp. Điều này tạo động lực, nâng cao trách nhiệm cho nhà giáo, phấn đấu, cống hiến trong nghề nghiệp. Đồng thời, cũng là nguồn cảm hứng để học sinh giỏi lựa chọn thi, xét tuyển vào ngành sư phạm.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong Luật Nhà giáo sẽ quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Quy định về số giờ làm việc, bồi dưỡng và cơ chế chính sách để thực hiện công tác bồi dưỡng. Điều này cần được làm rõ bởi trong bối cảnh giáo dục hội nhập, tính chất công việc nhà giáo sẽ phát triển, biến đổi rất nhanh so với truyền thống.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng là yếu tố quan trọng đối với nhà giáo. Giáo dục muốn thành công thì cán bộ quản lý, nhà giáo phải được tạo môi trường phát triển năng lực tối đa. Trước đây, chúng ta thường chỉ quan tâm đến môi trường làm việc trong nhà trường. Nhưng lao động nghề giáo hiện không giới hạn trong một tiết dạy, trong lớp học hay khuôn viên nhà trường mà còn ở nhiều mối quan hệ, bối cảnh, môi trường ngoài trường học. Vậy khi các hoạt động giáo dục được tổ chức, tăng cường ngoài nhà trường, cần có quy định luật để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho nhà giáo.
Ông Thái Văn Thành cũng cho rằng, cần có chế độ tiền lương xứng đáng với năng lực, vị trí việc làm, công sức lao động nhà giáo. Một mặt để nhà giáo có thể sống tốt được nhờ lương, mặt khác tạo sự công bằng, thu hút người giỏi, tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo cống hiến cho ngành. Đồng thời có chính sách quan tâm đến giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo.
Về vấn đề này, trước tới nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ quan tâm đến giáo viên, học sinh, trường học, địa phương các vùng đặc thù trên. Nhưng trong bối cảnh mới, ông Thái Văn Thành mong muốn có cơ chế phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp để những vùng, địa phương với điều kiện kinh tế xã hội phát triển có hành lang pháp lý đầu tư giáo dục, thu hút người tài năng. Chính những địa phương này sẽ tạo sự bứt phá trong giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại tiên tiến. Tạo động lực, là đầu tàu để kéo giáo dục các vùng miền khác cùng phát triển.
Đồng quan điểm, cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, cùng với chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, tăng giáo viên hợp đồng hưởng lương ngân sách và sự ra đời của Luật Nhà giáo sẽ góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa loại hình công lập và tư thục. Người lao động sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Môi trường làm việc cùng những chính sách đãi ngộ, tăng lương hợp lý cho người lao động là một trong những lý do để giáo viên gắn bó, cống hiến sức lao động, sáng tạo cùng với nhà trường.
“Ở bậc tiểu học và THCS, tỷ lệ GV/học sinh của trường chúng tôi đang cao hơn quy định của Bộ để giảm bớt cường độ làm việc cho nhà giáo. Tất nhiên chế độ đãi ngộ về tiền lương, thời gian làm việc, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng đi kèm với sự sàng lọc trong đội ngũ. Đây đều là những thỏa thuận ngay từ đầu giữa nhà trường với giáo viên khi tuyển dụng nên cũng là động lực để giáo viên phấn đấu” – cô Nga cho biết.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cảnh báo tình trạng những thay đổi từ đời sống xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa học đường. Giáo viên dè dặt hơn trong uốn nắn học sinh có hành vi lệch chuẩn; cẩn trọng hơn khi tiếp xúc, trao đổi với phụ huynh để giữ cho mình sự an toàn. “Có cảm tưởng đôi lúc, đôi nơi, quan hệ giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh như một công chức với công dân, đang thực hiện dịch vụ công. Nếu không có những quy định rõ ràng, chuyên biệt áp dụng trong môi trường giáo dục thì trong tương lai gần, rất khó tìm được người thầy tâm huyết, “chạm” đến trái tim của học sinh.