Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại. Ảnh chụp hố bom tại ngã ba Đồng Lộc |
Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. |
Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Những năm 1964 - 1972, nơi đây bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 - 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50 nghìn quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom.
Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ “đỏ” của nhân dân cả nước về dâng hương tưởng niệm, đặc biệt vào những ngày tháng 7 tri ân. |
Hàng năm, khu di tích đã đón hàng triệu lượt người tới tham quan trong đó rất đông các em học sinh. |
Cũng tại con đường huyền thoại này, hàng nghìn liệt sĩ đã ngã xuống. Trong số đó, có 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa 24/7/1968, giống như mọi ngày, 10 cô gái ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom. Khi đồng đội tìm thấy các chị, tất cả đã hi sinh, cơ thể còn nguyên vẹn, ấm nóng nhưng trái tim đã ngừng đập. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.
55 năm đã đi qua, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống đã trở thành địa chỉ đỏ của nhân dân cả nước về dâng hương tưởng niệm. Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam. Nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng, trong đó có nhà bảo tàng Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc – nơi cất giữ nhiều kỷ vật của 10 cô gái. Những kỷ vậy này được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị nằm lại, nhưng cũng có những kỷ vật được gia đình cất giữ nhiều năm trước khi giao lại cho bảo tàng với mong muốn lưu giữ mãi mãi về những ký ức hào hùng.
Hàng năm, không chỉ là các cựu chiến binh, cơ quan, đơn vị, địa phương, mà còn có rất đông các học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo đến tham quan. Đây thực sự đã trở thành một nơi giáo dục truyền thống cách mạng “trực quan, sinh động” bởi hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú.
Theo ông Trần Đình Ước – Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, để góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử, đồng thời số hóa di tích trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đầu năm 2023, Ban Quản lý đã tiếp nhận hệ thống thiết bị chuyển đổi số được ứng dụng tại không gian nhà truyền thống thuộc Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.