Theo chuyên gia Ye-won, mục đích của giáo dục năng khiếu là cung cấp nền giáo dục phù hợp cho những đối tượng khác nhau, còn giáo dục mọi học sinh trong cùng một môi trường không phải là bình đẳng. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, mọi người đều được hưởng nền giáo dục bình đẳng theo tài năng của mình.
Những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ giáo dục trẻ tài năng. Năm 2000, nước này ban hành Đạo luật Khuyến khích Giáo dục Năng khiếu và Tài năng, mở đường cho việc xây dựng trường học và chương trình đào tạo dành riêng cho trẻ có năng khiếu.
Đến năm 2003, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố “Kế hoạch Tổng thể đầu tiên” đưa ra hướng dẫn chi tiết về giáo dục năng khiếu cho các nhà hoạch định chính sách. Kể từ đó, kế hoạch được cập nhật 5 năm một lần.
Quy trình tuyển chọn học sinh cho chương trình đào tạo này cũng tương đối đặc biệt. Giáo dục năng khiếu tại Hàn Quốc bao gồm các bài kiểm tra và đánh giá của giáo viên, khác với nhiều quốc gia chỉ sử dụng bài kiểm tra nhận thức.
Các bài kiểm tra đa dạng hình thức ở nhiều lĩnh vực từ văn hóa đến thể thao, nghệ thuật... Nếu trúng tuyển, học sinh sẽ được chia vào các lĩnh vực khác nhau và được giáo dục phù hợp với năng khiếu của các em.
Hệ thống giáo dục cho học sinh năng khiếu được chia thành ba phần gồm lớp năng khiếu, Trung tâm Giáo dục Năng khiếu và Trường Phổ thông Năng khiếu. Mô hình lớp năng khiếu và Trung tâm Giáo dục Năng khiếu tương tự như các hoạt động ngoại khóa – nơi học sinh được đào tạo nâng cao bên cạnh chương trình học chính khóa.
Trái lại, Trường Phổ thông Năng khiếu là trường đào tạo toàn thời gian, chỉ nhận học sinh đã vượt qua bài đánh giá của chính phủ như kiểm tra năng khiếu, phỏng vấn, giới thiệu của giáo viên... Năm 2015, ước tính 1.996 học sinh theo học tại những trường này, tương đương 0,03% tổng số học sinh cả nước.
Tuy nhiên, từ khi các trường phổ thông năng khiếu đi vào hoạt động, nhiều người đã phản đối mô hình này và cho rằng, nó thúc đẩy giáo dục tư nhân. Đề thi của các trường được đánh giá là “ngoài khả năng” của học sinh.
Đơn cử, tháng 12/2021, nhóm “Một thế giới không lo lắng về giáo dục tư nhân” chỉ ra hơn 66% bài kiểm tra môn Toán tuyển sinh vào các trường năng khiếu có mức độ khó nằm ngoài chương trình dạy cấp THCS. Do đó, để trúng tuyển, các em phải lao vào học thêm từ rất sớm.
Dù vậy, vì trường dành cho trẻ em có năng khiếu nên dù học thêm, nhiều em vẫn không vượt qua vòng kiểm tra, tạo gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình.
Phản đối quan điểm này, bà Ye-won khẳng định, Hàn Quốc nên chú trọng hơn đến khía cạnh tích cực của giáo dục năng khiếu thay vì mặt tiêu cực. Một trong những lợi ích của mô hình này là phát hiện những học sinh tài năng để phát huy tiềm năng thay vì để thui chột.
“Cá nhân tôi tin rằng, hệ thống giáo dục Hàn Quốc nên phát triển theo hướng giúp học sinh phát huy đa dạng tài năng của mình. Ngày nay, các nghệ sĩ, vận động viên có năng khiếu cũng quan trọng không kém các nhà khoa học thiên tài”, bà Ye-won bày tỏ.