Ngôn ngữ học ứng dụng - xu hướng chuyển đổi trong khu vực

23/06/2023, 18:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học ứng dụng - xu hướng chuyển đổi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - APCAL HANU” diễn ra tháng 11/2023.

TS Lương Ngọc Minh Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết: Hội thảo do Trường ĐH Hà Nội (HANU) và Hiệp hội Ngôn ngữ học ứng dụng Ô-xtrây-li-a (ALAA) phối hợp tổ chức vào các ngày 28-30/11/2023. Đây là sự kiện kết nối các nhà nghiên cứu trong nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cùng chia sẻ và thảo luận không giới hạn các chủ đề như:

Ngôn ngữ học; Ngôn ngữ và Công nghệ; Đánh giá năng lực ngôn ngữ; Tiếng Anh như một phương tiện trong đào tạo các chuyên ngành; Biên - Phiên dịch; Giáo dục ngôn ngữ (phương pháp giảng dạy, phát triển chương trình, thụ đắc ngôn ngữ, phát triển chuyên môn của giảng viên v.v.); Văn hóa, Văn học trong giảng dạy ngôn ngữ.

Diễn giả chính có các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học ứng dụng hàng đầu của ALAA và Việt Nam. Như GS.TS Elke Stracke - Chủ tịch ALAA, giảng viên tại Khoa Giáo dục – Đại học Canberra. Bà là nhà Ngôn ngữ học ứng dụng và Giảng dạy tiếng Anh cho những người nói ngôn ngữ khác (TESOL), bà chú trọng phát triển chương trình, động lực học tập, tự chủ của người học, học tập ngôn ngữ theo mô hình kết hợp, phản hồi và đánh giá trong đào tạo tiến sĩ.

Diễn giả PGS.TS Noriko Iwashita - Phó Chủ tịch ALAA, giảng viên Trường Ngôn ngữ và Văn hóa, Đại học Queensland. Bà là chuyên gia đánh giá năng lực ngôn ngữ, Giáo dục song ngữ và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Indonesia). Bà cùng các nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Kiểm tra Đánh giá Ngôn ngữ, Đại học Melbourne phát triển bài kiểm tra nói TOEFL (Bài kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ của Viện Khảo thí Giáo dục, Hoa Kỳ).

TS Paul Moore là diễn giả thứ ba với vai trò giảng viên Trường Ngôn ngữ và Văn hóa - Đại học Queensland. Ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, mối quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm tương tác dựa trên nhiệm vụ trong lớp học và bối cảnh trực tuyến dưới góc nhìn về văn hóa xã hội, giao tiếp liên văn hóa, và vai trò ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất đến ngôn ngữ thứ hai.

PGS.TS Lê Văn Canh là giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và đào tạo giáo viên tiếng Anh, nghiên cứu sinh ngành Giảng dạy tiếng Anh cho những người nói ngôn ngữ khác (TESOL) và Ngôn ngữ học ứng dụng. Ông tham gia bình duyệt cho các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Nghiên cứu chính của ông là nghiên cứu đào tạo giáo viên giảng dạy ngôn ngữ thứ hai và nghiên cứu sự tương tác trong lớp học từ quan điểm lý thuyết cấu trúc phức hợp và văn hóa xã hội.

Hội thảo APCAL HANU sẽ diễn ra trong các ngày 28-30/11/2023. Mong muốn của Ban tổ chức là được đón tiếp đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và những người quan tâm trong và ngoài nước tham gia viết bài và tham dự Hội thảo. Các bài viết gửi về Hội thảo sẽ được thẩm định, biên tập đăng trên Kỷ yếu của Hội thảo, hoặc lựa chọn đăng trên Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ số đặc biệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôn ngữ học ứng dụng - xu hướng chuyển đổi trong khu vực