Thời điểm này, nhiều trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông tạm ngừng hoạt động dạy học tăng cường nhằm ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.
Lý do được các trường đưa ra là chờ hướng dẫn của địa phương trong thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025.
Song, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường mà buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.
Khó khăn trong chi trả cho giáo viên dạy học tăng cường
Cô Đặng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Nhà trường đã dừng hoạt động dạy thêm kể từ khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, để chờ văn bản chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 29. Đối với việc ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp, nhà trường không có kinh phí từ nhà nước cấp để chi trả cho giáo viên giảng dạy. Vì vậy, nhà trường dự kiến sẽ chỉ ôn luyện miễn phí cho học sinh khối lớp 9 và dựa trên ngân sách của nhà trường, chi trả tối đa cho giáo viên khoảng 50 nghìn đồng/tiết.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí đối với 3 nhóm đối tượng được quy định tại Thông tư 29 là rất nhân văn. Quy định này nếu được các nhà trường triển khai sẽ tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, đảm bảo học sinh khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế.
Tuy vậy, ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học, trong đó có việc lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả cho giáo viên tham gia giảng dạy, bổ trợ học sinh cuối cấp. Do đó, cần có kinh phí hỗ trợ để chi trả cho giáo viên hoặc xây dựng cơ chế để các nhà trường có thể huy động nguồn lực tài chính phù hợp để duy trì hoạt động này.
Trước những quy định mới về dạy thêm, học thêm, bên cạnh những khó khăn, nhiều trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập hài hòa, đảm bảo thời lượng chính khóa và củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Nhà trường không gặp khó khăn khi thực hiện Thông tư vì lâu nay vẫn tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí học sinh giỏi, tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Trách nhiệm của giáo viên trước hết là dạy đủ số tiết quy định, nếu dạy thêm giờ sẽ được trích từ quỹ chi thường xuyên để trả theo quy định dạy thêm giờ. Nhà trường phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn để xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, chi tiêu tiết kiệm để có kinh phí chi trả dạy thêm giờ cho giáo viên thay vì thu của học sinh.
Đồng tình với các quy định mới trong Thông tư 29, thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: Những quy định trong Thông tư 29 giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.
Nhà trường quán triệt giáo viên tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, có những biện pháp giảng dạy hiệu quả hơn, tận dụng triệt để 45 phút mỗi tiết học để truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức; đồng thời, tăng cường kiểm tra đánh giá để nắm bắt khả năng tiếp thu của từng học sinh.
Ngoài ra, các tổ, nhóm bộ môn trong trường đã họp bàn để xây dựng kế hoạch giảng dạy khoa học hơn, hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, tự nghiên cứu một cách có hệ thống. Giáo viên sẽ cụ thể hóa những kiến thức trọng tâm, đặt ra các yêu cầu cần đạt để học sinh có lộ trình học tập rõ ràng, giúp các em tự chủ hơn trong việc học.
Theo thầy Nguyễn Đức Hồng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy. Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không cần phụ thuộc vào việc học thêm mà vẫn đạt kết quả tốt.
Bảo đảm chất lượng giáo dục trong nhà trường
Trước những băn khoăn từ phía nhà trường, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra. Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền của học sinh.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là việc hướng dẫn, tổ chức cho học sinh cuối cấp ôn thi. Đồng thời, tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường mà buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các đối tượng liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh… sẽ cần thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen liên quan tới dạy thêm, học thêm. Chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông phải được duy trì từ việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong chương trình chính khóa, tách bạch với hoạt động dạy thêm, học thêm theo nhu cầu.
Thầy, cô giáo cần hướng dẫn để học sinh biết cách tự học, tự ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học. Việc học thêm ngoài nhà trường nhằm nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng thuộc nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của học sinh do học sinh quyết định. Tuy nhiên, cần phải lưu ý dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự ôn tập thì mới đạt được hiệu quả.
Đối với những học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường thì các nhà trường, thầy cô càng phải quan tâm tổ chức và hỗ trợ các em theo nhiều hình thức như hướng dẫn học sinh tự học tại trường, hỗ trợ học sinh tự học qua điện thoại, tin nhắn, email, giao bài (như đã làm nhiều thời COVID-19).
Liên quan đến việc chi trả cho hoạt động dạy thêm đúng quy định trong nhà trường, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết: Giáo viên kiêm nhiệm, dạy thừa giờ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định. Việc phân công giáo viên để bảo đảm sự công bằng, phù hợp về thời gian làm việc thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Trong trường hợp nhà trường tổ chức dạy thêm cho các đối tượng học sinh theo quy định thì cần xây dựng kế hoạch hợp lý để những giáo viên được phân công dạy thêm không vượt giờ chuẩn quá nhiều, trong khi có những giáo viên khác lại chưa đủ giờ chuẩn. Nguồn kinh phí để chi trả tiền thừa giờ là nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường, bao gồm ngân sách và các khoản thu theo quy định.