Ông Khaled Meshaal, người sắp trở thành lãnh đạo mới của Hamas, từng nổi tiếng khắp thế giới vào năm 1997, sau khi các điệp viên Israel tiêm thuốc độc vào ông trong vụ ám sát bất thành tại thủ đô Amman của Jordan.
Ông Khaled Meshaal trong một cuộc họp báo ở Qatar, năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Vụ ám sát nhằm vào nhân vật cấp cao chủ chốt trong phong trào của người Palestine đã khiến Vua Hussein của Jordan khi đó vô cùng tức giận, đến mức ông tuyên bố sẽ treo cổ những kẻ giết người và hủy bỏ hiệp ước hòa bình với Israel nếu thuốc giải không được giao nộp.
Israel chấp nhận điều đó và cũng đồng ý thả lãnh đạo Hamas Sheikh Ahmed Yassin, rồi 7 năm sau lại ám sát ông ở Dải Gaza.
Đối với người Israel và phương Tây, Hamas đã thực hiện những vụ đánh bom liều chết ở Israel và tiến hành nhiều hoạt động khác để thực hiện quyết tâm phá hủy Israel.
Đối với những người ủng hộ Palestine, ông Meshaal và ban lãnh đạo Hamas là những chiến binh đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Israel, khi ngoại giao quốc tế không có tác dụng.
Ông Meshaal, 68 tuổi, trở thành lãnh đạo chính trị lưu vong của Hamas 1 năm trước khi Israel cố gắng loại bỏ ông. Vị trí này khiến ông trở thành người đại diện cho phong trào của người Palestine tại các cuộc gặp với chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới mà không bị cản trở bởi những hạn chế đi lại chặt chẽ của Israel.
Các nguồn tin của Hamas cho biết, ông Meshaal dự kiến sẽ được chọn làm lãnh đạo tối cao của Hamas để thay thế ông Ismail Haniyeh, người bị ám sát tại Iran vào sáng sớm ngày 31/7.
Ông Khalil al-Hayya, một quan chức cấp cao khác của Hamas đang hoạt động tại Qatar và là người dẫn đầu trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Israel, cũng là có thể được lựa chọn trở thành lãnh đạo, vì ông được lòng Iran và các đồng minh trong khu vực.
Mối quan hệ giữa ông Meshaal với Iran không tốt đẹp vì trước đây ông ủng hộ cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Sunni năm 2011 chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Giống như những nhà lãnh đạo Hamas khác, ông Meshaal khó xử với vấn đề quan trọng là có nên áp dụng cách tiếp cận thực dụng hơn với Israel để có được quyền tự trị cho Palestine hay tiếp tục chiến đấu. Hiến chương năm 1988 của Hamas đề ra mục tiêu hủy diệt Israel.
Ông Meshaal bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với Israel, nhưng cho biết Hamas có thể chấp nhận một nhà nước Palestine ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem như một giải pháp tạm thời để đổi lấy lệnh ngừng bắn dài hạn.
Ông Meshaal cho rằng cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền nam Israel đã đưa sự nghiệp của người Palestine trở lại thành vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự của thế giới.
Ông kêu gọi người Ả-rập và người Hồi giáo tham gia cuộc chiến chống lại Israel, đồng thời tuyên bố chỉ người Palestine mới có quyền quyết định ai sẽ điều hành Dải Gaza sau khi cuộc chiến hiện tại kết thúc. Trong khi đó, Israel và Mỹ muốn loại Hamas khỏi đội ngũ lãnh đạo dải đất này sau xung đột.