Người đàn ông 'gàn dở' hơn 20 năm bảo tồn giống tùng quý

30/03/2024, 07:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Anh Phạm Văn Sự, 44 tuổi, trú phường Thanh Sơn (TP Uông Bí, Quảng Ninh) có hơn 20 năm miệt mài chăm sóc vườn xích tùng rộng cả 1.000 m2.

Cho vùng danh sơn Yên Tử xanh

Tính đến nay, anh Sự đã giao 1.065 cây xích tùng cao hơn 1m cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Số cây được đem lên trồng tại rừng Yên Tử đều khỏe mạnh vì đã được trồng tại vườn nhà anh Sự khoảng 7 năm, có thể sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên.

Những cây này được tập trung trồng bổ sung tại những khu vực có cây xích tùng cổ như khu vực đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường sang thác Vàng, thác Bạc, khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ được trồng nhiều nhất.

Toàn bộ những cây xích tùng trồng mới sẽ được cắm hàng rào, xác định vị trí để tiện kiểm tra, chăm sóc. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, có một số người ươm được hạt xích tùng, nhưng số lượng ít và chủ yếu dùng chơi là chính.

Những cây xích tùng cao hơn 1m tại vườn nhà anh Sự phát triển tốt.
Những cây xích tùng cao hơn 1m tại vườn nhà anh Sự phát triển tốt.

Anh Sự nhân giống được nhiều nhất và tâm huyết nhất với loài cây này. Sau khi tiếp nhận hơn 1.000 cây xích tùng, những vị trí trồng mới đều được lực lượng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra, chăm sóc định kỳ.

Hiện, Yên Tử còn khoảng 230 cây xích tùng hơn 700 tuổi. Vài năm trở lại đây, hơn 20 cây đã chết; 132 cây có thân, gốc bị mục rỗng, cụt ngọn, sâu bệnh nặng... Riêng khu đường Tùng có 69 cây thì 7 cây chết, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.

Năm 2019, dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án trên 26 tỷ đồng, kéo dài 5 năm. Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khám và chữa bệnh cho 233 cây xích tùng cổ.

Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thực hiện phác đồ điều trị sâu bệnh cho cây xích tùng. Ngày 29/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Yên Tử dự lễ Phật cầu nguyện quốc thái dân an và tham gia kế hoạch trồng 1.000 cây xích tùng theo chương trình khôi phục và phát triển giống cây Tùng bản địa quý hiếm, cây đặc trưng vùng danh sơn Yên Tử.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đợt trồng 1.000 cây xích tùng này là khởi động cho chương trình bảo tồn và phát triển trồng hàng trăm ha các loài gỗ quý tại Yên Tử.

Việc này góp phần tôn tạo, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên, giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử tại khu di tích Yên Tử.

Theo Phó Thủ tướng, việc trị sâu bệnh kéo dài tuổi thọ cho cây xích tùng cổ Yên Tử là cần thiết. Một phương án mới là trồng mới đan dặm bổ sung thay thế cây già cỗi là hết sức quan trọng.

Xích tùng, tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Loài cây này được cho là trồng cùng thời điểm Thái Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành và lập Thiền phái Trúc Lâm. Các cây xích tùng cổ trên Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400 - 700m, cây ở độ cao thấp nhất là 327m tại Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái.

Đặc biệt là khu đường Tùng với những cây tùng 700 năm tuổi là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam. Đường Tùng mang nhiều giá trị, vừa là di sản, vừa góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng ở nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-ong-gan-do-hon-20-nam-bao-ton-giong-tung-quy-post675932.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-ong-gan-do-hon-20-nam-bao-ton-giong-tung-quy-post675932.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đàn ông 'gàn dở' hơn 20 năm bảo tồn giống tùng quý