Theo trung tá Minh, từ ngày 15/8, đối với xe không chính chủ sang tên thì khi đến làm thủ tục cơ quan chức năng sẽ thu hồi đăng ký và cấp lại biển số định danh cho chủ sở hữu đang sử dụng xe.
Cụ thể, người bán xe phải đến làm thủ tục thu hồi đăng ký, giữ lại biển số, còn người mua phải làm thủ tục đăng ký tên của mình và bấm biển mới nếu chưa có.
“Đối với phương tiện đã có giao dịch mua bán theo đúng quy định của pháp luật thì trong vòng 30 ngày phải đến làm thủ tục thu hồi đăng ký và giữ lại biển số. Sau 30 ngày nếu không thực hiện thì sẽ bị phạt, cụ thể đối với ô tô cá nhân là 2-4 triệu đồng, tổ chức từ 4-8 triệu đồng” - trung tá Minh cho biết.
Có thể sở hữu biển số trước khi mua xe ô tô
Vị cán bộ CSGT cho biết thêm, theo Thông tư 24, từ 15/8, một người có thể sở hữu nhiều biển số. Nếu chủ xe mà không có phương tiện có thể đề nghị cơ quan chức năng giữ biển số đó trong vòng 5 năm. Nếu quá 5 năm mà không có phương tiện để gắn thì biển số đó sẽ bị thu hồi về kho số để cấp cho người khác.
“Khi chủ xe đã có biển số định danh đang lưu trữ trong vòng 5 năm và mua xe mới thì bắt buộc phải lắp biển số đó, khi nào lắp hết thì mới được đăng ký biển số mới” - trung tá Minh giải thích.
Trung tá Minh lấy ví dụ, một người đang sở hữu 3 biển số định danh ở trên hệ thống mà chưa lắp vào xe nào cả, thì khi mua phương tiện mới phải gắn lần lượt cho đến hết 3 biển số đó lên 3 xe. Khi đã sử dụng hết biển số thì mới được cấp biển mới.
Khi Thông tư 24 có hiệu lực, đối với biển 5 số hệ thống tự động định danh, còn biển 3 và 4 số vẫn lưu thông bình thường và không được định danh. Trường hợp chủ phương tiện có giao dịch mua bán, trao đổi… thì phải đến cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số và chủ mới sẽ được bấm biển 5 số để định danh theo quy định.
Từ ngày 15/8, Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực.
Theo thông tư này, đối với xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8, mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.