Ông Bernard Arnault, người đứng đầu Tập đoàn LVMH, đang là người giàu nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNN, tính đến hết ngày 25/5, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn 38,8 tỷ USD tiền mặt, giảm từ mức hơn 200 tỷ USD hồi đầu tháng và gần sát mức sàn 30 tỷ USD. Điều đáng nói là trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, có tới 31 người sở hữu tài sản nhiều hơn cả Bộ tài chính Mỹ. Trong đó, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, Chủ tịch của LVMH và là người giàu nhất thế giới, có khối tài sản lên tới 193 tỷ USD, cao gấp 5 lần số tiền mà Bộ Tài chính Mỹ sở hữu.
Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt thỏa thuận cuối cùng về nâng trần nợ, đồng thời tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn thỏa thuận trong tuần này. Quốc hội Mỹ dự kiến tiến hành bỏ phiếu về vấn đề trên vào ngày 5/6 tới.
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, từng cảnh báo rằng nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ công, xứ cờ hoa sẽ không thể thực hiện cam kết chi tiêu 92 tỷ USD như kế hoạch đã định. Không chỉ vậy, quốc gia này có thể sẽ chứng kiến lần vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử và gây ra những cú sốc cho nền kinh tế thế giới.
Theo CNBC, trong kịch bản xấu nhất, Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ kéo dài. Các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị.
Năm 2011, Quốc hội Mỹ đã đạt thỏa thuận nâng trần nợ chỉ 2 ngày trước khi Bộ Tài chính rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn tài chính. Đó cũng là năm đầu tiên Mỹ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm.