Do đó, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi với nữ.
Những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người bị suy giảm khả năng lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 đến 10 tuổi, so với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết lao động một số ngành, nghề mà đại biểu Quốc hội đề cập như may mặc, giày da... đã được xem xét, quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Trước đó, Bộ LĐTB-XH đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2024.
Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH bổ sung danh mục 52 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thuộc các ngành xây dựng (xây lắp), vận tải, thương binh và Xã hội.
Theo khoản 3, Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm việc trong điều kiện lao động bình thường là đủ 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.