Người thầy ở Huổi Lếch

31/05/2023, 17:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Rời Sơn La lên Mường Nhé (Điện Biên) lập nghiệp, với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy Lò Văn Quân đã được đồng nghiệp và đông đảo học sinh tin yêu.

Ngược núi lên Điện Biên lập nghiệp

Trải qua nhiều năm xây dựng và trưởng thành, mái trường Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Các thầy cô giáo trong nhà trường luôn yêu nghề, yêu học sinh, vượt khó khăn, luôn là tấm gương cho các em noi theo. Nhà trường có những thầy cô tâm huyết với nghề, xứng đáng là cơ sở giáo dục tin cậy để nhân dân gửi gắm con em mình. Một trong những tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ giáo viên của nhà trường đó là thầy giáo Lò Văn Quân - Một tấm lòng đầy nhiệt huyết với nghề, một người thầy gắn bó với các em học sinh.

Thầy Quân sinh ra và lớn lên tại một huyện vùng khó của tỉnh Sơn La, trong một gia đình có bố mẹ đều làm nông nghiệp. Bản thân thầy ngay từ lúc còn nhỏ đã sớm nhận thức được mình phải cố học thật giỏi vừa là để không phụ công bố mẹ, vừa để mình thoát ly, có công việc ổn định, có một vị trí nhất định trong xã hội. Từ đó thầy luôn ấp ủ trong tâm hồn mình ước mơ sau này trở thành thầy giáo. Bởi thế, từ bé, thầy vẫn luôn vừa tích cực tham gia lao động sản xuất giúp gia đình, vừa chăm chỉ học hành.

Rồi cũng đến cái ngày “Ước mơ xanh” ấy trở thành hiện thực. Với tấm bằng Tốt nghiệp sư phạm trong tay, người thầy không ngại xa, ngại khó mà vướt qua 500 km đến với vùng đất nghèo Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên) để mang con chữ đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa.

Người thầy ở Huổi Lếch ảnh 1
Thầy giáo Lò Văn Quân trong một tiết chuyên đề.

Trong giảng dạy thầy luôn cố gắng học tập những thầy cô đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy luôn dành cho học sinh một tình cảm đặc biệt, coi những học sinh như con của mình. Khi có em học sinh nào nghỉ học, thầy sẽ đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, hay đơn giản là dành tặng cho các em những quyển vở, cái bút để khích lệ những em có hoàn cảnh khó khăn. Bởi thế không chỉ có các em học sinh rất yêu quý và kính trọng thầy mà các phụ huynh và bà con dân bản cũng rất yêu quý thầy.

Với thầy, công việc trọng tâm của người giáo viên chính là những giờ lên lớp, làm thế nào để có giờ học hay, thu hút được hứng thú say mê của học sinh. Tùy theo trình độ của học sinh mà thầy nghiên cứu tìm ra được những hình thức tổ chức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động, giàu tính ứng dụng, giúp học sinh nắm vững nội dung bài học tốt hơn.

Với cương vị vừa là giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm lớp, thầy đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh dân tộc. Đặc biệt, nắm chắc chương trình giáo dục phổ thông 2018, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, để giáo dục đạo đức cho các em học sinh bán trú, giúp các cháu có ý hình thành được nhiều nhân cách tốt cho cuộc sống hiện tại và cuộc sống sau này.

Một điều đáng ghi nhận ở thầy giáo Lò Văn Quân là ý chí luôn biết vượt qua khó khăn nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào thầy cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết, khi học sinh không ra lớp thầy đến tận nhà vận động gia đình cho con em đến trường, đến lớp.

Người thầy ở Huổi Lếch ảnh 2

Thầy Quân trong buổi lên bản vùng cao vận động học sinh ra lớp.

Người thầy đầy tâm huyết

Suốt từng đó năm gắn bó với nghề “gieo chữ” trên non thầy giáo Lò Văn Quân luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên THCS về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một nhà giáo phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ… bởi trẻ ở lứa tuổi học sinh là lứa tuổi các em đang thay đổi về mặt tâm sinh lý, đặc biệt là những em học sinh nơi đây 100% là người dân tộc Dao và dân tộc Mông. Các em còn nhút nhát, e dè, tiếng phổ thông còn chưa thông thạo nên việc dạy dỗ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho các em thì thầy giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với các em… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhờ sự tận tình dạy bảo của thầy, biết bao thế hệ học trò đã khôn lớn trưởng thành.

Người thầy ở Huổi Lếch ảnh 3
Hai thầy trò trở lại trường để tiếp tục học tập.

Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy Quân còn luôn tích cực đi đầu để tham gia vào các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Có thể nói, với nhiều năm công tác dưới mái trường PTDTBT THCS Huổi Lếch, với lòng tận tâm trong sự nghiệp “trồng người” thầy Quân đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Thầy xứng đáng là một tấm gương điển hình vượt khó, tận tụy, hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp, là tấm gương sáng trong ngành giáo dục. Tuy nhiên cuộc đời của thầy cũng có nhiều gian truân.

Thầy Quân lập gia đình ở Mường Nhé đến nay cũng đã được gần 10 năm nhưng vợ chồng thầy vẫn chưa có con. Mặc dù ngành giáo dục huyện và nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để thầy có thời gian đi điều trị, can thiệp nhưng đã 2 lần thực hiện kết quả chưa được như mong muốn. Sự nghiệp của thầy phía trước còn rất dài, chúng tôi, tập thể sư phạm ở đây luôn tin tưởng rằng thầy sẽ luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hi vọng thầy sẽ tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp giáo dục của trường, của huyện. Ở đó luôn có những tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên đang mong chờ thầy vẽ ra tương lai tươi sáng cho các em.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy ở Huổi Lếch