Biết được cách giải quyết vấn đề, Đặng Trần Tùng dành thời gian tìm hiểu văn hóa bản địa. Cuộc sống ở một College Town như Lincoln, Nebraska cũng cho anh cơ hội được tương tác nhiều hơn với các nhóm bạn trẻ cùng trang lứa, từ đó hiểu hơn về văn hoá Mỹ. Sau gần một năm rèn luyện, trình độ tiếng Anh của Tùng cải thiện đáng kể. Từ đó làm tiền đề giúp anh đạt 8.0 IELTS trong lần đầu thi.
Thầy giáo 9x cho biết, trong việc học tiếng Anh, anh chú trọng nhất là việc đọc. Đối với anh, đọc là cách học chủ động nhất, chất lượng nhất.
"Mình tránh học tiếng Anh từ sách vở (mặc dù bản thân mình có viết sách luyện thi IELTS). Tiếng Anh là một ngôn ngữ khá hệ thống và dễ nắm bắt, tuy nhiên không một sách vở nào có thể bao quát được sự đa dạng, phong phú của nó. Để có một cảm nhận tốt về ngôn ngữ này, mình nghĩ người học cần liên tục sống trong nó, để nó giúp thoả mãn những sự tò mò về thế giới xung quanh của họ", Tùng chia sẻ.
Người học có thể bắt đầu đơn giản với việc là xem bất cứ thứ gì và đọc bất cứ thứ gì mình thích bằng tiếng Anh. Kèm theo việc thay vì tìm tòi nghiên cứu, "search Google" bằng tiếng Việt thì mình cũng tìm kiếm bằng tiếng Anh luôn để giúp tăng môi trường tiếp xúc với ngôn ngữ mình muốn học, nhanh tiến bộ.
Với IELTS, Trần Tùng chia sẻ anh xem nó còn hơn là một tấm bằng. Phần thưởng lớn nhất của hành trình chinh phục điểm 9.0 không phải là điểm số mà qua đó, anh đã học được rất nhiều kiến thức xã hội mà trước kia mình không hề quan tâm từ các bài đọc của IELTS, cũng như từ quá trình đọc bên ngoài để cải thiện vốn từ và khả năng viết.
Đồng thời cải thiện đáng kể kỹ năng nghiên cứu, tìm kiếm và chắt lọc thông tin - những kỹ năng mà mình đã hệ thống hóa lại và truyền cho học viên.
Học IELTS lãng phí hay không thì chỉ có phụ huynh và người học đánh giá được
Trước ý kiến gần đây cho rằng, việc học sinh (thậm chí từ cấp 1) đã đổ xô đi học để lấy chứng chỉ IELTS một sự lãng phí, thầy giáo Đặng Trần Tùng cho biết: Lãng phí hay không thì chắc chỉ có phụ huynh và người học đánh giá được.
Nếu IELTS là động lực thúc đẩy người học nâng trình độ tiếng Anh của họ lên một tầm cao mới, nếu nó nuôi dưỡng một sự đam mê, thích thú với ngôn ngữ Anh, thì mình không thấy việc học IELTS hay một bài thi chuẩn hoá nào khác là sự lãng phí thời gian.
Cũng có quan điểm, cuộc đua IELTS đang ngày càng méo mó bởi nhiều người chưa hẳn đã hiểu hết về chứng chỉ được cho là "quyền lực" này. Đồng thời, muốn phát triển đất nước thì phải ưu tiên khoa học công nghệ chứ không chỉ chạy theo chứng chỉ ngoại ngữ. Đặng Trần Tùng chia sẻ, đây là một ý kiến nổi tiếng được nhà khoa học/ tiểu thuyết gia nước Anh C.P.Snow trình bày trong bài giảng nổi tiếng của ông vào năm 1959: Sự phân định hai văn hoá "khoa học" và "nhân văn:.
Trong thời đại này, có thể thấy "khoa học" là lĩnh vực nhận được sự ưu ái nhiều hơn, còn những nhóm ngành "nhân văn" như triết học, nhân chủng học, và ngôn ngữ không còn thu hút được đông đảo người học như trước.
Tuy nhiên, kiến thức nhân loại chất lượng nhất và đồ sộ nhất được ghi chép bằng tiếng Anh, và các nỗ lực thúc đẩy việc con người thông thạo ngôn ngữ này là rất thiết thực, vì nó cho người học một đơn vị tiền tệ quyền lực, có thể dùng để mua được kiến thức, thông tin mà họ cần.
"Mình không thấy phát triển khoa học công nghệ và khuyến khích học tiếng Anh loại trừ lẫn nhau - trái lại, nếu chúng ta làm đúng công tác dạy và học tiếng Anh thì hai việc này phải bổ trợ cho nhau", anh nói.
Nói về độ tuổi phù hợp để ôn luyện IELTS, thầy giáo này cho biết, các bạn cuối cấp 2, đầu cấp 3 có thể bắt đầu quá trình chuẩn bị cho kì thi. Khi ôn thi cũng như khi học tiếng Anh nói chung, người học cần ưu tiên Nghe và Đọc trên hết. Có nghe - hiểu và đọc - hiểu tốt thì chúng ta mới có nội dung chất lượng để viết và nói.
Thầy giáo 9x chia sẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam đa phần các sĩ tử IELTS thường khá chật vật với Viết và Nói.
Có nhiều lý do cho việc này, nhưng một trong những vấn đề lớn nhất là người học vẫn đợi thầy cô "mớm" cho ý tưởng, không tự tin để hình thành chính kiến. Từ vựng, ngữ pháp có thể uốn nắn rất nhanh, nhưng nếu bản thân các em không biết mình muốn nói gì thì cũng không "phù phép" ra một bài văn, bài nói chất lượng được.
"Ở thời điểm này, khi nhìn lại quá trình ôn luyện và hàng chục lần đi thi, mình vẫn không thay đổi suy nghĩ rằng, để đạt được band điểm mong muốn, điều quan trọng là phải luôn phải tự tạo được động lực cho bản thân và hết mình theo đuổi mục tiêu", thầy Tùng chia sẻ.