Nhà neo người, bố mẹ già, ốm đau bệnh tật, chị em gái và chồng đều công tác ở xa, nhiều khi cả bố và mẹ cùng phải đi bệnh viện một lúc, cô Hiền phải một mình chăm sóc cả hai bố mẹ nên rất vất vả.
Tuy nhiên, vì công việc và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao nên cô đã cố gắng sắp xếp việc nhà và việc trường để vừa hoàn thành chữ hiếu phục dưỡng bố mẹ già vừa hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao phó. Một năm sau, cô được chuyển về Trường PTDTBT THCS Nam Sơn, nay là Trường PTDTBT TH & THCS Nam Sơn cách nhà 4 km và làm việc tại đó đến nay.
Chia sẻ về công tác giảng dạy suốt gần 20 năm công tác, cô Hiền cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có trình độ đào tạo theo lý thuyết cao nhưng mức độ vận dụng kiến thức lý thuyết học trên ghế nhà trường vào thực tiễn cuộc sống còn hạn chế. Trong khi đó, việc lồng ghép giáo dục nâng cao năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống, sản xuất ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng.
Theo cô Hiền, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn có thể thừa, đặc biệt là giáo viên dạy tích hợp một số môn chưa có.
Thực tế là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian riêng ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được yêu cầu do có nhiều môn học mới, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng, chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Hơn nữa việc giáo dục trải nghiệm sáng tạo cũng cần kinh phí thực hiện và hơn hết là đảm bảo sự an toàn cho học sinh, tạo niềm tin cho phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.
Cô Hiền trăn trở, trong đời sống xã hội ngày nay, khi những tác động của nền kinh tế thị trường vào mọi lĩnh vực, trong đó có môi trường giáo dục rất nhanh và mạnh mẽ, sẽ có những giá trị đạo đức dễ trở thành nguy cơ bị phá vỡ nếu người thầy không giữ vững vai trò, vị trí của mình trong công việc và cả trong những mối quan hệ xã hội.
“Nghề giáo không phải là nghề giàu sang nhất, nhưng là nghề tạo ra tất cả ngành nghề khác. Đó chính là niềm tự hào, động lực để tôi đã, đang và sẽ tiếp tục bước trong sự nghiệp truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò, cùng các đồng nghiệp và thế hệ trẻ luôn bồi đắp và trân quý hơn hai chữ “người thầy” dù xã hội thay đổi bao nhiêu đi nữa”, cô Hiền nhấn mạnh.
Tận tâm với nghề, luôn phấn đấu trong công tác chuyên môn, nhiều năm liền cô Hiền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen các cấp. Hiện, cô Hoàng Thị Hiền là Tổ trưởng tổ Hoá và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm 2023, cô là một trong số những giáo viên tiêu biểu trên cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTN Việt Nam… tổ chức.
“Đã có lúc tôi cũng cảm thấy khá mệt mỏi, áp lực về hồ sơ sổ sách, về sĩ số khiến tôi nhụt chí và đôi lúc băn khoăn tự hỏi không biết lựa chọn của mình có còn đúng hay không? Nhưng rồi, mỗi lần bước lên bục giảng, gặp những ánh mắt trong trẻo, ngây thơ của học trò lớp 6 nhìn tôi, những câu chào, lời chúc mừng và niềm vui hớn hở của học sinh khi chúng nhìn thấy cô giáo đã khiến tôi thấy ấm lòng, thế là những mỏi mệt dường như được xua tan”, cô Hiền tâm sự.