Nguồn lực thấp khó có nhân lực chất lượng cao

Anh Tú | 29/04/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tư cho GD đại học được xem là nhiệm vụ lớn của mọi quốc gia trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế, thành tựu khoa học bậc cao.

Theo nhóm nghiên cứu của TS Trần Ánh Nguyệt, để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng, Việt Nam cần tăng đầu tư với tỷ trọng ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học từ 0,23% (Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011 - 2020) lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030.

Đánh giá sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong 10 năm qua là rất rõ, nhóm nghiên cứu của TS Trần Ánh Nguyệt, Đào Hồng Trang, Võ Kiều Dung (WB) nhìn nhận: Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000, lên tới 1,9 triệu sinh viên năm 2020. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên cũng cải thiện ấn tượng. Số giảng viên đại học có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ tăng từ 47% năm 2007 lên 85% năm 2020.

Nguồn tiền trên nhằm hỗ trợ thường xuyên, ổn định cho các cơ sở giáo dục đại học công lập và hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên; cải cách hệ thống tín dụng sinh viên. Trong các chính sách tài chính cho giáo dục đại học thì việc tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển cần tương xứng với tỷ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu - mức đề xuất là nâng từ 13% - 18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026.

“Khoản đầu tư này có thể sử dụng vào hai mục đích chính gồm tạo dựng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao và hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả của ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học thông qua cải cách về cơ chế phân bổ, trách nhiệm giải trình và đơn giản hóa quy trình thủ tục song song với tăng cường hỗ trợ tài chính sẽ giúp hệ thống giáo dục đại học đảm bảo được nguồn lực cho đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu khoa học”, TS Ánh Nguyệt đề xuất.

Đặc biệt, theo TS Ánh Nguyệt, các trường đại học cần huy động nguồn lực bổ sung từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân thông qua đối tác công tư (PPP) và đa dạng hóa nguồn thu qua ba giải pháp chính như: Cập nhật hệ thống chính sách cho mô hình PPP trong giáo dục, nâng cao năng lực thể chế, gỡ bỏ rào cản liên quan tới tiếp cận các nguồn tín dụng trong và ngoài ngân sách… qua đó xây dựng nguồn thu (để đầu tư) cho cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học được tốt hơn.

Cho rằng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ, nhất là về hoạt động đầu tư tài chính, ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, hiện số sinh viên đại học ngoài công lập còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 20%, trong khi nhiều nước phát triển lên tới 65 - 70%.

“Nguồn ngân sách đã hạn chế lại phải vươn ra bao cấp rộng, trong lúc yêu cầu phải nâng chất lượng đào tạo không thể bằng giá rẻ. Vì vậy, hệ thống giáo dục đại học cần mở rộng về cơ chế chính sách để khuyến khích khu vực ngoài công lập phát triển mạnh hơn, tiến đến chiếm tỷ lệ lớn hơn công lập - tức tăng tỷ lệ đầu tư tài chính, giảm ngân sách Nhà nước.

Với bối cảnh hiện nay, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần đẩy mạnh mô hình trường không vì lợi nhuận. Đây là loại hình tốt, nhiều nước trên thế giới đã có từ lâu, phần lớn những trường danh tiếng và trong tốp đầu của thế giới. Nghị quyết Trung ương và luật đã cho phép, nhưng đến nay mô hình trường không vì lợi nhuận vẫn chậm triển khai. Nếu phát triển tốt nó sẽ tạo lực đẩy lớn cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, ông Hoàng nói.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT năm 2022 trên 135 cơ sở giáo dục đại học về đầu tư cơ sở vật chất, tỷ trọng chi trung bình cho nội dung này của các trường chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm. Con số này theo PGS Nguyễn Thu Thủy sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với cơ sở đào tạo lĩnh vực Y dược, Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguon-luc-thap-kho-co-nhan-luc-chat-luong-cao-post636611.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguon-luc-thap-kho-co-nhan-luc-chat-luong-cao-post636611.html
Bài liên quan
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn lực thấp khó có nhân lực chất lượng cao