Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.
Như vậy, tình trạng ngộ độc cá nóc xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời. Thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.
Theo nghiên cứu y khoa, thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Độc tố trong nó độc tới mức, chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.
Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủ hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; không chế biến, không bán, không sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như: chả, bột cá nóc; loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào; không ăn các loại hải sản mà không rõ nguồn gốc và độc tính. Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn cá nóc với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời.