Nguyễn Hy Quang - từ thầy giáo trở thành bậc sư thần nhà Lê

Trần Hoà | 31/05/2022, 15:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tuy chỉ là một Giáo thụ, nhưng vì tài năng và đức độ hiếm có, Nguyễn Hy Quang đã trở thành bậc sư thần nhà Lê.

Đối với việc dạy Trịnh Bính, Nguyễn Hy Quang nghĩ chuyện dài lâu nên coi trọng dạy những kiến thức và đức tính cần thiết với quản lý đất nước. Năm 1688 chúa Định vương Trịnh Căn phong đích tôn Trịnh Bính làm Tấn Quốc công (sau phong là Tấn Quang vương), cho mở phủ Tiết Chế kiêm Tổng chính quyền, ủy cho Tả thị lang Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Hy Quang phụ tá việc nhiếp chính của Trịnh Bính.

Chính vị thế quan trọng này đã gây cho ông bao phức tạp, nhưng ông đã đem hết tâm sức làm tròn, khiến uy tín ngày càng tăng. Nghe chuyện bịa đặt dèm pha, ông cứng cỏi vững vàng không dao động. Ông thường lấy khuôn phép người xưa để tự mình gắng sức, vươn lên hơn người. Trong việc quan, ông không bao giờ nhận quà cáp riêng, không màng quyền uy, không màng giàu có, luôn thanh bạch, công minh chính trực


Bia đòi đất” từ thời thầy giáo Nguyễn Hy Quang.

Ông Mai Thế Tế cho biết, Thành hoàng làng Nguyễn Hy Quang khi còn sống đã có đóng góp lớn đối với làng Trung Tự trong việc đòi lại đất bị quan lại lấn chiếm từ nhiều đời trước. Sau khi đỗ Giải Nguyên năm 1657, ông đã vận động đoàn kết các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ.

Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674 sau khoảng 80 năm phải ở nhờ”, người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên mảnh đất cũ của tổ tiên. Trong năm này, ông bỏ tiền lương cùng dân làng Trung Tự sửa sang làng xóm. Biết đó là nơi nền đất yếu, Trịnh Bính cho quân dẫn theo đàn voi đến khu đất mà dậm nền nhà cho vững để trả ơn thầy.

Tháng 6/1691, thầy giáo Nguyễn Hy Quang được thăng làm Công khoa Đô cấp Sự trung, tước Hiển Phương bá, nhưng sau đó ông xin nghỉ hưu.


Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đánh giá Nguyễn Hy Quang là: “Sư phó công danh kì tế ngộ” - nhà giáo hiếm có. Minh hoạ: IT.

Tài cao bậc lương đống

Không chỉ là một thầy giáo, một vị quan rường cột triều đình, Thành hoàng làng Nguyễn Hy Quang còn là một người uyên thâm, lỗi lạc. Ông để lại nhiều trước tác cho hậu thế.

Chúa Trịnh qua nhiều lần đàm đạo tỏ ý hài lòng và có tặng thơ lại cho Nguyễn Hy Quang. Nhân đó, Hy Quang soạn dâng bản “Quân thần luận” chấn chỉnh kỷ cương đất nước và yên lòng dân.

Bản “Quân thần luận” nêu rõ các đạo lý về vua tôi, vấn đề dùng người: “Trị nước tuy có trăm đường, trị cương chẳng qua một sự. Dùng người mở lưới thu hết vào đã cho cơm gối cho áo, tùy tài đãi thấp cao đều xứng, cả làm cột bé làm rui”. Đặc biệt “Quân thần luận” cũng nêu ra hai vấn đề nóng hổi đương thời: Việc binh và việc hình cần phải thiết thực.

Nguồn sử liệu cho thấy, Nguyễn Hy Quang hay làm thơ chữ Nôm và có soạn sách. Ông để lại cho hậu thế cuốn “Quốc âm sự dẫn” được coi là của gia bảo dòng họ Nguyễn làng Trung Tự. Đặc biệt, bài thơ “Cảm tác” bằng chữ Nôm được sáng tác khi xây xong nhà ngay trước hồ Ba Mẫu ngày nay là một trong những áng thơ Nôm thể lục bát cổ xưa nhất còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay, có niên đại rõ ràng (1674).

Năm 1692, Nguyễn Hy Quang lâm trọng bệnh. Cảm công ơn dạy dỗ của thầy, Tiết chế Trịnh Bính đã tận tình chăm sóc, đích thân xuống lập đàn và tự mình viết bài “mật đảo văn” mong thầy qua khỏi. Ông mất ngày 6 tháng 5 năm Nhâm Thân đời Lê Chính Hòa (1692). Chúa Trịnh thương xót lệnh nghỉ chầu 3 ngày, sai các quan trong bộ Lễ lo việc tang tế. Hiện, phần mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Thanh Tước.

Trong văn tế thầy, Trịnh Bính viết: “Học tất phải có thầy, lễ trước tiên là trọng đạo. Thầy có tài kinh luận, truyền bảo cho trò. Trò nhờ dạy dỗ mà có kiến thức, vận dụng thực thi, làm lợi nước nhà. Tất cả hoàn toàn là nhờ ơn thầy. Nhớ thuở học xưa, nghe lời giảng sáng, được đọc sách hay, thương xót khôn cùng”.

50 năm sau khi qua đời, thầy giáo Nguyễn Hy Quang được nhà Lê gia phong làm Phúc thần Đại vương với lời đánh giá: “... tài cao bậc lương đống, vật báu như ngọc quý. Trong màn trướng đã bồi giảng nền học thánh hiền. Kịp thời đúng lúc và hết lòng phụ tá, góp nhiều ý hay vào mưu lược quốc gia”.

Hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Hy Quang - Nhà giáo tài đức có công lao góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ 17, đã đánh giá ông là người tài năng, cương trực, có lối sống thanh bạch, gắn bó với nhân dân. Năm 2020, HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc đặt tên phố Nguyễn Hy Quang thuộc quận Đống Đa.

Dựa vào những sắc phong, sử liệu còn giữ được ở đình Trung Tự thì sau khi qua đời, Nguyễn Hy Quang được chúa Trịnh truy tặng hàm Thị Lang gia phong Thượng thư tước Hiển Quận công.

Đến năm 1745 niên hiệu Cảnh Hưng, ông được phong Trung đẳng Phúc thần, tặng phong mỹ tự. Sau này, Trịnh Khải ra lệnh sai quan đến tế theo lễ “Thiếu lao” cho dân hai phường Đông Tác và Kim Hoa là dân tạo lệ, được miễn phu dịch để trông nom đền miếu, hàng năm Xuân - Thu hai kỳ tế lễ.

Bài liên quan
Chi Nê - Làng khoa bảng ven dòng sông Bùi
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có 12 làng với 26 người đỗ đại khoa, thì riêng thôn Chi Nê, xã Trung Hòa đã có tới 11 người được ghi danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Hy Quang - từ thầy giáo trở thành bậc sư thần nhà Lê