Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời

Trần Hoà | 17/04/2022, 09:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn quỳnh”. Câu ca về làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu – Nghệ An) phần nào diễn tả được sức học của ngôi làng nổi tiếng khoa bảng nước Nam.

Năm Đinh Mão (1807), toàn tỉnh Nghệ An có 8 người đỗ cử nhân, riêng làng Quỳnh Đôi 3 người có tên trên bảng. Có lúc 3 khoa liền, làng Quỳnh có 3 người đỗ thủ khoa trường Nghệ.

Đó là Dương Quế Phổ đỗ đầu khoa Mậu Dần (1878) Nguyễn Quý Yêm đỗ đầu khoa Nhâm Ngọ (1882) và Phan Đình Phát đỗ đầu khoa Giáp Thân (1884) đúng như câu: “Kinh Kỳ dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời”.

Không chỉ học rộng đỗ cao, làng Quỳnh Đôi cũng tập hợp những tên tuổi danh sĩ nổi tiếng nước Nam, như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Phan Hữu Tính, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Dương Thúc Hạp, Hoàng Mậu, Phan Duy Phổ…

Tiếp nối truyền thống khoa cử của ông cha, trong thời đại mới, làng Quỳnh có rất nhiều người đỗ đạt, thành danh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, làng Quỳnh có trên 100 người có trình độ trên đại học, trên 800 người trình độ đại học.

Trong số này có 2 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư, 55 tiến sĩ; 2 ủy viên Bộ Chính trị, 3 ủy viên Trung ương Đảng, 9 đại biểu Quốc hội, 11 Bộ trưởng và Thứ trưởng, 11 Bí thư và Phó Bí thư Khu ủy và Tỉnh ủy…

Đất phát đế vương


Quỳnh Đôi còn là quê hương cội rễ của Hoàng đế Quang Trung.

Đã là làng khoa bảng thì trước hết phải nói đến sự học. Miền quê nghèo khó đất chật người đông này từ xưa đã coi học và dạy học như một nghề mưu sinh. Những cậu con trai làng lớn lên đều được hướng vào việc học. Học để đi thi làm quan, học để kiếm sống, chí ít cũng phải biết được ít chữ thánh hiền để không hổ thẹn với xóm làng.

Tấm gương tiêu biểu được truyền tụng nhiều nhất là Quận công Hồ Sĩ Dương. Ông 3 lần thi hương đều trúng thủ khoa. Tháng 10/1659, ông đỗ khoa Đông các. Trong đời làm quan, ông từng giữ 4 chức Thượng thư ở các bộ: Binh, Hình, Công, Hộ.

Ông được phong các tước: Tử, Bá, Hầu, Quận công, Thiếu bảo. Ông lập nhiều chiến công khi dẹp giặc và cả thành tích về ngoại giao trong các cuộc đàm phán với ngoại bang.

Mồ côi cha, mẹ mò cua bắt ốc nuôi ông ăn học, bản thân Hồ Sĩ Dương cũng phải phụ mẹ đi gánh nước thuê hoặc xách ấm bán nước dạo ở chợ Nồi, chợ của làng. Không có nhà, mẹ con phải mắc võng tá túc trong đình chợ qua đêm. Trong cảnh nghèo khó đó, cậu học trò tự trào: “Ngày thời việc nước đảm đang/ Tối thời võng giá nghênh ngang đình Nồi”.

Không chỉ là vùng đất học, Quỳnh Đôi còn được mệnh danh là đất phát tích đế vương. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Hồ Quý Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ… đều có gốc tích từ tổ tiên làng Quỳnh.

Theo truyền thuyết địa phương, tổ tiên Nguyễn Huệ vào Nam không phải do nhà Nguyễn bắt tù binh hay do bị bốc hốt, mà chính do bị bắt cóc theo kiểu “ông ba bị”.

Một số trẻ họ Hồ bị bắt bán vào Nam và được đưa về sống ở ấp Tây Sơn (làng Phù Ly gần An Khê, Bình Định). Số trẻ ấy phải mang một họ mới là họ Nguyễn. Chính tổ tiên Nguyễn Huệ là một trong số những trẻ bị đem về nuôi ở Phù Ly. Cha Nguyễn Huệ không thể không nhắc lại cho con cháu nghe để nhận biết quê hương tổ quán.

Phả hệ dòng dõi Hồ Sĩ Anh nêu rõ vị trí của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Hồ Xuân Hương đều thuộc đời 12 kể từ Hồ Hân là đời số 1. Hồ Phi Huyền hay còn gọi là Hồ Phi Thống (nhạc phụ nhà văn Đặng Thai Mai) thuộc đời 14.

Không chỉ là đất phát tích đế vương, học giả Hoàng Xuân Hãn còn nhận định Quỳnh Đôi là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê trung hưng trở về sau. Trong số đó phải kể đến bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Có thể nói, học hành là nghề - một nét văn hóa đặc biệt của người Quỳnh Đôi. Nhờ học hành mà người Quỳnh Đôi đã tiếp thu và truyền bá được những kiến thức cần thiết, có vai trò động lực thúc đẩy mọi hoạt động của làng, từ mở mang ngành nghề, làm quan, làm thầy học, thầy thuốc, đến làm văn chương, học thuật, buôn bán…

Làng Quỳnh Đôi nhờ đó mà vượt qua đói nghèo trở nên một làng văn hóa nổi tiếng xưa nay, đóng góp đáng kể nhân tài nhiều mặt cho đất nước. Đó là đỉnh cao được nhiều thời thừa nhận.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Hành Thiện và huyền tích cá chép vượt vũ môn
Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời