Chi Nê - Làng khoa bảng ven dòng sông Bùi

Trần Hoà | 27/03/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có 12 làng với 26 người đỗ đại khoa, thì riêng thôn Chi Nê, xã Trung Hòa đã có tới 11 người được ghi danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Làng khoa bảng Chi Nê có 11 vị đại khoa có tên trong bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.Làng khoa bảng Chi Nê có 11 vị đại khoa có tên trong bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Cho đến bây giờ, chưa có tài liệu xác định chính xác làng Chi Nê có từ bao giờ. Tên làng cũng thật thú vị, theo chiết tự xưa kia mà các cụ để lại: Chi có nghĩa là loài cỏ thơm, Nê có nghĩa là bùn đất. Chi Nê là cây cỏ mọc trên bùn đất nhưng mang đậm hương thơm tinh khiết.

Làng tiến sĩ ven sông Bùi

Làng khoa bảng Chi Nê, nay thuộc xã Trung Hoà (Chương Mỹ - Hà Nội). Theo một tư liệu không chính thống, làng còn có tên là làng Nứa, trước đây thuộc xã Chi Nê, phủ Chương Đức. Tục truyền, xưa kia làng Nứa nằm trên một quả đồi đầy lứa hóp và lau sậy. Dưới chân đồi là sông Bùi uốn khúc chảy qua, với thượng lưu là dòng Tích giang, khởi nguồn từ thung lũng sông Đà và núi Tản Viên hùng vĩ - tạo nên địa thế “Long cuộn hổ ngồi” thật kỳ vĩ.

Nguyên xưa Chi Nê thuộc tổng Cao Bộ, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Từ sau cuộc khởi nghĩa do Giáo thụ Cao Bá Quát làm quân sư, triều đình nhà Nguyễn có ý muốn dứt bỏ huyện Mỹ Lương, nên đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), tên huyện chính thức bị xoá sổ, chia năm sẻ bảy. Tổng Cao Bộ nhập về huyện Chương Đức, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông.

Theo sử sách và sắc phong lưu giữ tại đình làng, Chi Nê tuy nhỏ nhưng có bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học, khoa bảng. Dưới thời phong kiến, Chi Nê có 11 người đỗ đại khoa, tự hào và vinh quang nhất là 3 dòng họ Ngô, Nguyễn, Trần.

Tiến sĩ Trần Khải được coi là người khai khoa cho làng Chi Nê. Ông sinh năm 1441, thi đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1472) đời vua Lê Thánh Tông. Trần Khải làm quan đến chức Đại lý tự khanh, tước Lễ giáo hầu. Con của ông là Trần Phỉ thi đỗ Thám hoa đời vua Lê Uy Mục.

Cuối triều Lê sơ, Thám hoa Trần Phỉ làm quan đến chức Hữu thị lang, Thừa chính sứ xứ An Bang. Đến triều nhà Mạc, Trần Phỉ được thăng làm Thượng thư Bộ Lại, Thượng thư Bộ Binh rồi Thiếu phó, tước Lại quận công. Cháu năm đời của Thám hoa Trần Phỉ là Trần Phủ thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1634) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

Thống kê các tư liệu, Chi Nê có tới 11 vị khoa bảng trong thời phong kiến. Bởi vậy, làng từng được mệnh danh là một “Đại khoa hương”. Ngoài Trần Khải đỗ Hoàng giáp năm 1472, Chi Nê còn có những vị đại khoa nổi tiếng, như: Lê Hiếu Trung đỗ Tiến sĩ năm 1502, đời vua Lê Hiến Tông; Ngô Cung đỗ Hoàng giáp năm 1583, đời vua Mạc Tuyên Tông; Nguyễn Nhuận đỗ Tiến sĩ năm 1607, đời vua Lê Thần Tông; Nguyễn Hy Tái đỗ Tiến sĩ năm 1650, đời vua Lê Thần Tông; Ngô Khê đỗ Thám hoa năm 1661, đời vua Lê Thần Tông…


Nhiều vị đại khoa của Chi Nê đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của triều đình.

Họ Ngô một bồ tiến sĩ


Chi Nê hiện còn giữ nhiều bia cổ về truyền thống văn hoá thi thư. 

Năm 2014, họ Lê Văn ở thôn Chi Nê đã tổ chức khánh thành lăng bia Tiến sĩ Lê Hiếu Trung tại xóm Đồi. Lê Hiếu Trung cũng là vị đại khoa có nhiều cống hiến trong hoạt động đào tạo nhân tài của Văn Miếu Quốc Tử Giám, và là vị Tư nghiệp để lại gương sáng về đức độ, lòng trung hiếu.

Cũng giống rất nhiều làng khoa bảng của Việt Nam, làng Chi Nê cũng đỗ đạt theo dòng họ. Trong số 11 vị đại khoa của làng thì họ Ngô có 3 vị, thế nên câu nói “họ Ngô một bồ tiến sĩ” cũng là ứng với họ Ngô Chi Nê.

Theo sử liệu, 3 vị khoa bảng họ Ngô gồm Tiến sĩ Ngô Cung (đời thứ 2) đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1583), giữ chức Giám sát sứ, Đông các đại học sĩ, tước Lễ khê nam, phong tặng Quang tiến Thân lộc đại phu.

Tiến sĩ Ngô Khuê (đời thứ 4), thi hội đỗ Tam trường khoa Canh Dần, năm Tân Sửu đỗ Thám Hoa, từng giữ chức ở Hàn lâm viện, thăng Ngự sử đài kiêm Ngự sử, Tán trị thừa chính sứ ty Bộ Hộ, Tả hữu thị lang, phong Quang tiến Thận lộc đại phu, tá trị khanh, tước Lan phái nam.

Tiến sĩ Ngô Cầu (đời thứ 4 – em trai Tiến sĩ Ngô Khuê), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, giữ chức Giám sát Ngự sử ty, Trưởng quan Đề điệu, thăng Tham chính sứ Tả Thanh Hoa, giữ chức Triều liệt, Tán trị thừa chính sứ ty xứ Thái Nguyên.

Theo gia phả họ Ngô Chi Nê, thủy tổ họ Ngô là cụ Ngô Bì đến sinh sống, lập nghiệp nơi đây từ những năm đầu thế kỷ 16. Cụ từng làm quan trong triều, giữ chức Thần vũ tá nho trung úy. Cụ có 3 con trai, đều đỗ đạt và làm quan trong triều, trong đó trưởng nam là Tiến sĩ Ngô Cung.

Ngô Cung và 2 cháu nội là Ngô Khuê và Ngô Cầu, trong đó Ngô Khuê giữ nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều công lao với triều đình nên khi về trí sĩ được vua ban ruộng làm thực ấp. Khi ông mất được xây lăng thờ, trong lăng có bia ghi danh, công trạng, hàng năm được tổ chức quốc lễ.

Năm 2009, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông báo và dịch thuật về bài văn bia Ngô Khuê. Đầu văn bia có đoạn: “Thường nghe xưa bậc tiền nhân ăn ở hiếu thuận mà đức sáng được nêu, luôn học hành chăm chỉ nên công nghiệp to lớn được ghi danh. Trước sau chọn người tiết tháo hiền lành, có tầm hiểu biết rộng để chép lại làm gương cho đời sau”.

Theo sách “Tam khôi bị lục”, Ngô Khuê từng một lần được cử sang sứ nhà Thanh, sau lại được cử lên biên giới tiếp sứ nhà Thanh, được sứ giả nhà Thanh ca ngợi là bậc giai sĩ nước Nam.

Khi trí sĩ về quê, bạn bè tiễn ông ra cửa nha môn, tặng những câu đối rất đẹp: Cập đệ vinh hoa thiên hạ ít/ Làm quan trong sạch thế gian tinh/ Đậu quế cành thơm huynh đệ sáng/ Vương hòe khóm tốt cháu con vinh.


Lăng Tiến sĩ Ngô Khuê tại Chi Nê.

Lấy cái chết tỏ lòng trung

Tiến sĩ Lê Hiếu Trung là một trong 10 vị đại khoa của làng Chi Nê. Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân tại khoa thi Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống triều vua Lê Hiến Tông.

Tuy nhiên không giống như các sĩ tử khác xuất thân là nho sinh đèn sách, khi đi thi Lê Hiếu Trung đang ở đứng trong hàng ngũ quân đội, ông giữ quân hạng Định Huân.

Năm Đinh Mão niên hiệu Đoan Khánh (1507) khi đang làm quan Giám sát Ngự sử, Ông được triều đình cử làm Phó sứ sang nhà Minh tạ ơn việc sách phong. Đến đời vua Quang Thiệu ông được thăng chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Trong vai trò này, Lê Hiếu Trung giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử.

Trong vị trí Tư nghiệp, Lê Hiếu Trung không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là cây đại thụ trong nền văn hóa.

Năm 1521, Chiêu Tông sai Mạc Đăng Dung đem quân đánh con Trần Cảo là Cung ở Kinh Bắc, Lạng Nguyên, bắt được Cung và chấm dứt hoàn toàn loạn Trần Cảo. Quyền thế Đăng Dung càng lớn, năm 1522 hoàng đế cùng một số cận thần lánh khỏi Đông Kinh, hiệu triệu thiên hạ diệt Mạc Đăng Dung. Vua Chiêu Tông mới đầu thuận lợi, tưởng chừng như có thể thống nhất cơ đồ thì lại vụng về làm Trịnh Tuy bất mãn.

Năm 1522, khi vua Chiêu Tông đang ở hành cung Thượng Yên Quyết, Trịnh Tuy làm phản, bắt ép xa giá vào xứ Thanh Hoa. Tư nghiệp Lê Hiếu Trung không khuất phục họ Trịnh, ông lấy cái chết để tỏ lòng trung với vua Lê. Có tư liệu nói rằng, ông bị Trịnh Tuy giết.

Sau khi đánh đuổi được nhà Mạc, nhà Hậu Lê được khôi phục đã ghi nhận Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lê Hiếu Trung là Tiết nghĩa. Phan Huy Chú trong “Nhân vật chí” cũng liệt Lê Hiếu Trung là Bề tôi Tiết nghĩa.


Nhà bia vinh danh những người đỗ đạt (Kim bảng lưu phương).

Trong đình làng Chi Nê hiện còn lưu giữ bia đá ghi danh 11 vị đỗ đại khoa. Ở làng còn có 3 nhà thờ của 3 dòng họ Nguyễn, Trần, Ngô được xây dựng để tưởng nhớ những vị tiên hiền trong việc học hành thi cử và làm quan trong các triều đại phong kiến. Ba nhà thờ họ đều được xây trên khu đất rộng trước cửa đình làng.

Đình Chi Nê được xây dựng từ lâu đời với lối kiến trúc chạm khắc và đắp nổi công phu. Đình toạ lạc giữa làng, được xây dựng trông hướng Tây Nam, phía trước là sông Bùi uốn lượn. Đình Chi Nê còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, phản ánh đậm nét truyền thống khoa bảng thi thư của vùng đất hiếu học.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Hành Thiện và huyền tích cá chép vượt vũ môn
Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi Nê - Làng khoa bảng ven dòng sông Bùi