“Mọi quy định là do con người nghĩ ra nên việc áp dụng phải hợp lý và khả thi, không nên cứng nhắc. Đặc biệt, phải tôn trọng lịch sử”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghiêm, Hà Nội là Thủ đô của cả nước còn quận Hoàn Kiếm là địa bàn mang đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội, không thể mất đi dấu ấn này bằng một quyết định hành chính sáp nhập. Hơn nữa, theo quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng phải tính tới các yếu tố văn hóa, lịch sử, yếu tố đặc thù.
“Theo quan điểm của tôi, Hà Nội sẽ không sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận nào đó. Hơn nữa vấn đề này còn phải lấy ý kiến của cư dân”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Có tính điến tiêu chí đặc thù
Liên quan đến thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiến, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thủ đô ngày 1/8, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến yếu tố đặc thù. Đơn cử như địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; điều kiện giao thông, vị trí địa lý. Những tiêu chí này phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.
"Về trường hợp Quận Hoàn Kiếm, qua rà soát mới đánh giá được tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên chứ chưa tính đến yếu tố đặc thù", ông Thành nói.
Theo ông Thành, việc điều chỉnh các quận này phải căn cứ đồng thời hai yếu tố là quy mô dân số và diện tích tự nhiên cùng dưới 70% so với quy định chứ không phải chỉ dựa vào một tiêu chí. Một quận có diện tích đạt dưới 20%, nhưng dân số trên 200% cũng không thuộc diện sáp nhập.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thành quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 mới là số liệu rà soát, chưa phải phương án sắp xếp. Theo quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được phê duyệt thì tiếp tục làm phương án cụ thể.