Hôm qua (26/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).
Sự tăng mạnh của giá xăng trong nước do chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Ngày 25/10, giá dầu thô đã ghi nhận phiên tăng lịch sử, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có thời điểm chạm mức 85,41 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014, trước khi giảm về 83,76 USD một thùng ở cuối phiên. Dầu thô Brent cùng lúc cũng tăng lên 86,43 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9.
Mức giá kỷ lục được thiết lập do nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm... cũng khiến giá dầu đi lên. Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.
Trước đà tăng giá của thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng tổng cộng 4 lần từ đầu tháng 9, với mức tăng hơn 3.200 đồng một lít với xăng, trên 2.100-3.000 đồng mỗi lít với dầu. So với tháng 2, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 7.200 đồng; xăng E5 RON 92 thêm 6.800 đồng.
Tuy nhiên, với mức tăng ngày 26/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn điều chỉnh thấp hơn mức tăng của giá thế giới, nhờ công cụ Quỹ bình ổn giá.
Bộ Công Thương cho hay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục 100 - 200 đồng một lít, kg với mỗi loại xăng, dầu từ đầu năm đến nay. Kỳ điều hành hôm qua nếu không tăng chi quỹ với xăng E5 RON 92 và RON 95, giá các mặt hàng này tăng lần lượt là 1.859 đồng và 2.527 đồng một lít.
Giá dầu thế giới tăng tác động đến kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh. Giá dầu tăng giúp tăng thu ngân sách từ dầu thô; tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo, tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và thu nhập, chi tiêu của người dân
Ông Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê ước tính, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, nhưng lại làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.