Gia đình nhà giáo Phạm Thiện (Thanh Hóa) luôn cảm thấy hạnh phúc bởi nhà có 5 cô con gái và người con dâu đều theo nghề dạy học.

Gia đình hiếu học

Vùng trời Hoằng Phụ buổi sáng tháng 10 mưa lất phất quyện trong cái lạnh se sắt đầu đông. Từ trung tâm xã, chúng tôi được người dân chỉ dẫn vào gia đình nhà giáo Phạm Thiện (78 tuổi, ở thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Phụ. Căn nhà của gia đình ông tuy không bề thế nhưng vô cùng sạch sẽ, đồ đạc trong nhà được bài trí gọn gàng, ngăn nắp.

Mặc dù, đã ở bậc “xưa nay hiếm” nhưng ông Thiện vẫn minh mẫn, cử chỉ linh hoạt, đôi mắt tinh anh. Rót ly trà nóng hổi mời khách, ông Thiện chậm rãi tâm sự về những năm tháng khốn khó của gia đình mình.

Mồ côi cha từ năm lên 9 tuổi, cậu bé Thiện được một tay mẹ nuôi khôn lớn bằng những bữa rau, cháo tạm qua ngày. Suốt những năm tháng tuổi thơ, cậu học trò làng biển chỉ có một bộ quần áo cũ kỹ, đường chỉ đã sờn. “Tôi nhớ ngày học cấp 1, 2 phải đi bộ đến trường trên con đường đất cát vào những trưa hè nóng nực đến bỏng rát làn da chân. Bụng thì đói meo mà ham học lắm”, ông Thiện hồ hởi.

Tốt nghiệp cấp 2, cậu học trò làng biển trúng tuyển vào Trung cấp Sư phạm. Sau 2 năm theo học, năm 1964, thầy giáo trẻ Phạm Thiện được điều động về Trường cấp 1-2 Hoằng Giang (Hoằng Hóa) giảng dạy. Do trường cách nhà hơn 30km, nên thầy Thiện xin ở lại trong khu tập thể, cuối tuần mới tranh thủ về thăm mẹ.

Năm 1965, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra khốc liệt, máy bay oanh tạc cầu Hàm Rồng suốt ngày đêm. Trước tình thế nguy cấp, lớp học của thầy và trò xứ Thanh phải chuyển xuống các hầm hào, lán lũy để bảo đảm an toàn tính mạng.

“Ban ngày, dạy học dưới hầm hào, buổi tối chúng tôi tranh thủ đắp ụ pháo hỗ trợ bộ đội xây trận địa chống chiến tranh phá hoại. Tuy gian khổ, nhưng hồi ấy chúng tôi rất đoàn kết, thủy chung”, ông Thiện niềm nở.

Nhà có 6 chị em theo nghề 'gõ đầu trẻ' ảnh 1
Ông Phạm Thiện - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

2 năm sau, thầy giáo Thiện luân chuyển công tác về Trường cấp 1-2 Hoằng Đông. Đây cũng là nơi se duyên cho ông đến với người vợ hết mực thủy chung của mình - nhà giáo Lê Thị Ngơn. Do công tác trong ngành nên giữa hai người luôn có sự cảm thông, thấu hiểu cho nhau.

Vợ chồng ông bà Thiện có 6 người con (5 gái, 1 trai). Gia đình đông con trong khi đồng lương giáo viên eo hẹp, nên vợ chồng ông tranh thủ nuôi thêm lợn, tích cực trồng rau để giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nghĩ lại quãng thời gian đầy khốn khó, đôi mắt ông ngấn lệ.

“Gian khổ, thiếu thốn là vậy nhưng tất cả chúng tôi đều đồng lòng vì tiền tuyến, ‘thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’. Hồi đó, ngoài dạy học trên lớp, buổi tối, chúng tôi còn phối hợp với các đoàn thể mở lớp xóa mù chữ cho bà con tại địa phương. Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi còn vào tận gia đình động viên. Vì vậy, giữa giáo viên và phụ huynh rất gắn kết, học trò nhớ thầy bao nhiêu thì phụ huynh cũng nhớ thầy bấy nhiêu”, ông Thiện kể.

Năm 1972, sau gần 10 năm đứng lớp, thầy giáo Thiện được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Hoằng Phụ. Trên cương vị mới, ông đã nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết, từng bước khắc phục khó khăn, đặc biệt là những thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Nhà có 6 chị em theo nghề 'gõ đầu trẻ' ảnh 2
Chị Tâm (bìa trái) cùng 3 chị gái của mình. Hiện cả 4 người đều đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa.

Con gái, con dâu cùng theo nghề giáo

Trong 6 người con của vợ chồng nhà giáo Phạm Thiện, 5 người con gái đều theo nghề dạy học như cha, mẹ mình. Người con gái đầu là nhà giáo Phạm Thị Hoài (55 tuổi), nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Hoằng Đạo. Con gái thứ 2 là Phạm Thị Bắc (51 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Long (TP Thanh Hóa). Con gái thứ 3 là Phạm Thị Trinh (49 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Trung Sơn (TP Sầm Sơn). Người con gái thứ 4 là Thạc sĩ Phạm Thu Trang (46 tuổi), giảng viên Đại học Khánh Hòa và người con gái út là Thạc sĩ Phạm Thị Tâm (41 tuổi), giáo viên Trường THPT Hoằng Hóa 3 (Hoằng Hóa).

Ngoài 5 cô con gái, người con dâu duy nhất của vợ chồng ông, bà là chị Nguyễn Thị Thu Hường, hiện là Thạc sĩ, giảng dạy tại Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa). Không chỉ vậy, thế hệ thứ 3 của gia đình là em Nguyễn Thị Mai (con gái chị Bắc) hiện là sinh viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức.

“Tôi có một phương châm sống đó là mình làm nghề giáo, thì không để con cháu thất học. Chính vì vậy, dù hoàn cảnh gia đình khốn khó, vợ chồng tôi vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ so sánh nghề dạy học với bất cứ nghề nào, tôi luôn quan niệm rằng: “Thiểu dục tri túc”, nghĩa là ham muốn ít đi và phải luôn biết đủ mới hạnh phúc”, ông Thiện dí dỏm.

Thạc sĩ Phạm Thị Tâm - người con út của vợ chồng ông bà - bùi ngùi cho biết: “Hồi đó ngoài đi học, chị em chúng tôi cứ phải rong ruổi đi cào lá phi lao về làm củi đốt. Có những hôm lại lang thang ngoài cửa biển đi đào ngao. Bữa cơm nhiều hôm độn cả khoai lẫn sắn. Cũng vì gia cảnh khó khăn, nên trẻ con làng biển lứa tuổi chúng tôi bỏ học nhiều, nhưng thật may mắn khi chị em tôi luôn được bố mẹ động viên, coi việc học là sự lựa chọn tốt nhất nên không ai bỏ học giữa chừng”.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng của mình, chị Tâm đã trúng tuyển vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm rất cao. Đây cũng là niềm ao ước của nhiều học sinh làng biển lúc bấy giờ. Sau 4 năm đại học, cuối năm 2003, chị Tâm tốt nghiệp đại học và về giảng dạy tại một trường THCS của huyện. Một năm sau, chị chuyển công tác về Trường THPT Hoằng Hóa 3, rồi gắn bó cho đến nay.

Đối với bộ môn mà mình đảm trách, nữ nhà giáo không ngừng nỗ lực, đổi mới phương pháp để học trò hứng thú hơn với giờ học. “Giáo viên cũng phải tự học, tự nghiên cứu để chuyển tải kiến thức tới học trò, như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy... Tôi nghĩ rằng, người thầy của thời đại mới phải luôn bắt kịp với xu thế và không để bản thân quá lỗi thời.

Với học trò của mình, tôi luôn cố gắng tạo cho các em thói quen biết thể hiện quan điểm của bản thân, vì như vậy sẽ không sợ rập khuôn hay áp đặt. Ngoài ra, tôi chú trọng đến các hoạt động giao tiếp, bởi bản chất môn Văn cũng là môn thực hành giao tiếp...”, nữ giáo viên chia sẻ.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, đến nay nhà giáo Phạm Thị Tâm có tới hàng trăm học trò đậu đại học, trong đó có nhiều thế hệ học sinh đỗ vào các trường tốp đầu. Về thành tích thi học sinh giỏi, nữ giáo viên từng dẫn dắt nhiều học sinh đoạt giải cấp tỉnh, đồng thời tham gia viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm, được xếp loại cấp ngành và là giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017.

Đặc biệt, nữ nhà giáo còn vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021.

Ông Trương Văn Quyền - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Phụ - cho biết, gia đình nhà giáo Phạm Thiện là một trong những gia đình tiêu biểu cho truyền thống hiếu học ở địa phương. Vợ chồng ông bà có 6 người con, thì có 5 cô con gái đều theo nghề dạy học, chỉ người con trai duy nhất theo ngành Y.

“Những năm thầy Thiện còn công tác tại Trường cấp 1-2 Hoằng Phụ, sau này là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Phụ, thầy Thiện luôn chú trọng đến công tác khuyến học, khuyến tài của nhà trường, phát động nhiều phong trào hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Đặc biệt, thầy cũng chung tay xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, là một trong những ngôi trường đầu tiên của cụm miền biển xây dựng được trường chuẩn quốc gia”, ông Quyền cho biết thêm.

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Phạm Thiện vinh dự được Bộ GD&ĐT trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông cũng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba vào năm 2001.

Cả 5 chị em tôi đều lựa chọn nghề dạy học theo định hướng của bố mẹ như một sự lựa chọn tất yếu, bởi khi đó chúng tôi cũng không nghĩ đến ngành nghề khác ngoài đi học sư phạm. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ rằng, niềm hạnh phúc đối với nghề dạy học đó là đào tạo ra những thế hệ học trò sống có ích, tự tin và khiêm tốn. -Nhà giáo Phạm Thị Tâm

Bài liên quan
Hướng dẫn xét tặng danh hiệu nhà giáo 2023
Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 16, năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà có 6 chị em theo nghề giáo