Theo anh Hùng, một môi giới nhà đất khu Đông Tp.HCM, phần lớn những người đi xem đất và xuống cọc lúc này là những nhà đầu tư, xuống tiền một lần, không vay ngân hàng. Đó là những người đã sở hữu ít nhất từ 1 bất động sản trở lên và hiện muốn mua thêm. Những người mua bất động sản lần đầu đi xem nhà đất rất ít. Có thể việc vay ngân hàng để mua đất/mua nhà lúc này là áp lực đối với họ.
Cũng theo môi giới này, từ trước đến nay, khi bất động sản xuống giá phần lớn cũng là những nhà đầu tư “đi trước, đón đầu”. Người mua ở thực thường mua lúc đỉnh giá/đỉnh sốt.
Hiện nay, người mua đang khá “thèm” mua bất động sản nhưng còn cân nhắc về tài chính, tâm lý còn dao động cũng khiến việc mua bán bị trì hoãn. Mặc dù nhiều người dự đoán được rằng, giá bất động sản có thể lại “ngược dòng” tăng trở lại trong thời gian tới nhưng lại chưa “mạnh dạn” xuống tiền.
Khảo sát ý kiến người tiêu dùng vào đầu năm 2023 của batdongsan.com cho thấy, bất chấp những biến động kinh tế khó lường, đa phần người Việt vẫn muốn mua bất động sản, thậm chí là mua nhiều sản phẩm.
Đáng chú ý, 68% số người được khảo sát cho biết sẽ mua ít nhất một bất động sản trong vòng một năm tới. Con số này cho thấy nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân vẫn ở mức cao. Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn dòng tiền vì tính bền vững.
Tuy vậy, cả thị trường bất động sản gần như đang đối diện những thách thức về vấn đề tâm lý. Ngay cả khi lãi suất ngân hàng liên tục giảm cũng chưa đủ sức kéo sức mua của thị trường nhà đất đi lên rõ nét. Thời gian gần đây, chỉ có một số dự án, phân khúc có giao dịch trở lại. Riêng ở loại hình nhà đất người mua chỉ xuống tiền với các bất động sản giảm giá sâu.
Các chuyên gia dự báo, có thể phải đến quý 2/2024, thị trường bất động sản mới có tín hiệu về sức cầu rõ nét. Các chính sách của chính phủ hiện tại cũng cần có thời gian thẩm thấu từ 3-6 tháng mới có tác dụng với thị trường.