Lỗ vốn có hiềm khích với Đặng Tất, Trấn phủ sứ Thuận Hoá là Nguyễn Phong về phe với Lỗ ngăn không cho Đặng Tất vào thành. Tất đánh giết được Phong rồi sau đó cùng Lỗ giao chiến. Lỗ chạy sang Thăng Hoa đầu hàng Chiêm Thành.
Chế Ma Nô Đà Nan bị quân Chiêm giết chết, Chiêm Thành thừa thế tiến lên đánh Hoá châu, trong khi đó quân Minh sau khi bắt cha con họ Hồ cũng tiến vào bình định Hoá châu.
Phạm Thế Căng đón quân Minh ở Nghệ An xin hàng. Tướng Minh là Trương Phụ cử Đỗ Tử Trung đi dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất. Đặng Tất phải tạm hàng quân Minh để ngăn quân Chiêm bắc tiến, được Trương Phụ cho giữ chức Đại tri châu Hoá châu như cũ.
Tạm yên phía Bắc, Đặng Tất dồn sức đẩy lui được quân Chiêm. Sau đó Đặng Tất sai người tìm Hoàng Hối Khanh bàn mưu chống quân Minh. Tháng 7 năm 1407, Hoàng Hối Khanh về đến cửa Hội gặp gió to vỡ thuyền, bị thổ binh theo quân Minh bắt được. Không muốn lọt vào tay quân Minh, ông bèn tự sát ở tuổi 46. Trương Phụ đem thủ cấp của ông ra bêu ở chợ.
Đền thờ Hoàng Hối Khanh. |
Về cái chết của Hoàng Hối Khanh, các tư liệu có phần khác nhau. Có sách cho rằng Đặng Tất bắt ông để nộp cho người Minh và ông đã tự vẫn. “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, ghi: Tất sai người đưa Hối Khanh về, đến cửa biển Đan Thai thì Hối Khanh tự vẫn. “Việt sử tiêu án” lại chép: Tất nghe tin người Minh đã đến Nghệ An, xin đầu hàng Trương Phụ. Phụ sai người đưa Hối Khanh về, đi đến cửa biển Đan Thai, Hối Khanh tự vẫn.
Sách “Danh nhân Bình Trị Thiên” xuất bản năm 1986 dẫn theo “Việt kiệu thư” của Lý Văn Phượng thời nhà Minh chép việc này sáng tỏ hơn: Trương Phụ chưa đánh tới Hóa châu, sai Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất. Đặng Tất thuận ý hàng còn Hối Khanh bỏ trốn. Sau khi đánh lui quân Chiêm, Đặng Tất sai người đón Hối Khanh về bàn việc chống Minh. Đến cửa Hội thì gặp gió to, thuyền bị vỡ, Hối Khanh bị thổ dân theo quân Minh bắt.
Như vậy có thể thấy hành động bỏ trốn của Hoàng Hối Khanh chứng tỏ ông không muốn hợp tác với nhà Minh. Hành động đó bị nhà Minh cho là chống đối nên tầm nã ông để giết. Trương Phụ bêu đầu ông để dọa những người Việt trốn tránh không muốn hợp tác với quân Minh.
Cái chết của Hoàng Hối Khanh thể hiện tinh thần bất khuất của một nhà nho chân chính, chịu chết chứ không chịu nhục. Đó cũng là cái chết của lòng yêu nước không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm.
Tuy nhiên, một số hành động của ông lại bị một số sử gia chỉ trích, đặc biệt là việc “bỏ Trần theo Hồ”, nhưng cũng phải xét ở một khí cạnh thời thế - ngả theo nhà Hồ không có nghĩa là kẻ bất trung.
Việc Hoàng Hối Khanh thừa lệnh Hồ Quý Ly đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh nhưng khi trở về lại bị quở trách “trả đất quá nhiều”, và bị một số sử gia đánh giá “dâng đất cho giặc” cũng oan uổng cho ông.
Trong tình thế đất nước ngấp nghé miệng hố chiến tranh, nếu không nhượng bộ chắc chắn chiến tranh sẽ nổ ra ngay lập tức. Việc đem đất 59 thôn trả cho nhà Minh không chỉ là tình cảnh “thế thời phải thế”, mà còn là cơ hội để có thời gian chuẩn bị lực lượng, bố phòng.
Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, đã truy phong Hoàng Hối Khanh làm Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần. Đến đời nhà Nguyễn, khoảng năm 1845 lăng mộ và miếu thờ Hoàng Hối Khanh được xây dựng và từ đó về sau được trùng tu lại nhiều lần.
Lăng mộ ông nằm trên một khu đất gần núi An Mã, trên một khu đất tại thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Vua Thiệu Trị cũng truy phong ông làm “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Hoàng Quận công, Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần”.
Khu lăng mộ Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh. |
Tưởng nhớ công lao người khai khẩn, dân làng Thượng Phong đã lập đền thờ bên hữu ngạn sông Kiến Giang. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch dân làng tổ chức tế lễ. Năm 1998, quần thể đền thờ và khu lăng mộ Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.