Nhà ở xã hội “bất ngờ” tăng giá gấp đôi, cá biệt có trường hợp tăng gấp 4 lần dù đã sử dụng gần chục năm

Tâm Nguyên | 11/05/2023, 23:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các căn nhà ở xã hội dù đã được sử dụng từ 5 - 10 năm hiện nay đang được rao bán gấp nhiều lần so với thời điểm ban đầu. Giá bán của các căn nhà ở xã hội tại thị trường thứ cấp hiện quanh mức giá 30 triệu đồng/m2.

TIN MỚI

    Trong bối cảnh hiện nay, sức cầu nhà ở trên thị trường ngày càng lớn, nhất là phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Song phân khúc này gần như vắng bóng trên thị trường, thay vào đó trong giỏ hàng đa phần là sản phẩm trung, cao cấp. Theo đó, điều này đã khiến giá nhà ở xã hội đã qua sử dụng đã nhiều năm cũng tăng giá gấp nhiều lần.

    Theo khảo sát của chúng tôi, dự án nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được bàn giao từ năm 2020, giá bàn từ chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay nhiều căn nhà ở xã hội tại dự án này đang được rao bán lại với mức giá 30 - 34 triệu đồng/m2, tăng gấp 2 lần so với trước.

    Đơn cử, một căn nhà tại tòa N03 có diện tích 67m2 được thiết kế 2 phòng ngủ đang được rao bán với mức giá 2,3 tỷ đồng, tương đương 34 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, chủ nhà cần tiền nên cần bán gấp mới có mức giá này, hiện căn nhà đã có sổ. Nếu thiện chí mua chủ nhà sẽ để lại hết đồ đạc sử dụng.

    “Dự án này chưa đủ thời gian 5 năm để sang nhượng, nên giao dịch bằng cách người mua cùng người bán tới văn phòng công chứng làm giấy giờ uỷ quyền cho người mua toàn quyền quyết định căn hộ. Tới khi đủ thời gian sang nhượng người bán có thể tự sang tên”, môi giới bán căn hộ cho biết.

    Dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) được mở bán từ 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Dự án được bàn giao và đi vào sử dụng từ năm 2017 tới nay, giá bán thứ cấp hiện tại ở mức giá từ 32 - 35 triệu đồng/m2.

    Dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) cách đây 5 năm được mở bán với giá hơn 13 triệu đồng, nhưng đến nay giá bán thứ cấp cũng được đẩy lên 26 - 27 triệu đồng/m2, thậm chí có những căn đang được rao bán với giá trên 30 triệu đồng/m2.

    Dự án nhà ở xã hội tại Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) do HUD làm chủ đầu tư. Dự án được bàn giao năm 2016 với giá bán hơn 13 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay giá căn hộ tại đây lên 31 triệu đồng/m2.

    Đáng chú ý, dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với hơn 300 căn giá hơn 8 triệu đồng/m2 cách đây hơn 10 năm. Đến nay giá bán tại dự án này dao động từ 29 - 33 triệu đồng/m2, tăng gấp 4 lần so với trước.

    Thực tế, nhiều chủ nhà ở xã hội cũng phải “ngã ngửa” vì mức lãi sau khi chuyển nhượng lại. Đơn cử, mới đây, anh Nguyễn Hà Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bán thành công căn nhà ở xã hội có diện tích 70m2 với giá 2,4 tỷ đồng, tương đương 34 triệu đồng/m2. Mức giá này không kém gì các căn nhà ở thương mại đã qua sử dụng trên địa bàn.

    “Căn hộ này được vợ chồng tôi mua năm 2016, do đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nên chúng tôi mua căn nhà này chỉ với mức giá 15 triệu đồng/m2, cộng thêm 200 triệu đồng tiền nội thất, tổng là 1,25 tỷ đồng. Do mấy năm gần đây làm ăn cũng khá hơn, tôi quyết định sẽ mua xuống nhà đất nên bán lại”, anh Hải nói.

    Anh Hải cho biết, trước khi rao bán anh cũng đã tham khảo giá trên thị trường và đưa ra mức giá cao hơn để khách mua trả giá xuống. Tuy nhiên, anh Hải rất bất ngờ vì người mua đồng ý đặt cọc, chốt mua ngay.

    Trong những năm gần đây, nguồn cung căn hộ tại các thành phố lớn nhà Hà Nội và TP. HCM ngày càng khan hiếm. Theo đó, không chỉ căn hộ mới, các căn hộ cũ cũng liên tục tăng cao. Các dự án nhà ở xã hội trước đây được bán với giá khá thấp, giờ tăng gấp ba, bốn lần mới chạm ngưỡng giá các căn hộ bình dân hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

    Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định, giá căn hộ sẽ đi ngang mà không có sự sụt giảm sâu. Nguyên nhân do hiện tại không có nhiều nguồn hàng để tung ra thị trường, cùng đó là các chi phí đầu vào đang tăng cao. Trong khi cầu mạnh mà cung yếu thì khó có thể giảm giá.

    “Thực tế, lực cầu trên thị trường bất động sản hiện nay vẫn rất lớn, nhất là các sản phẩm có nhu cầu thực. Trong bối cảnh vướng mắc về pháp lý vẫn còn rất lớn khiến nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai, thị trường khan hiếm nguồn cung nhà ở. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công, trang thiết bị,... vẫn neo cao, rất có thể sẽ kéo theo giá nhà ở tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở phân khúc bình dân và trung cấp”, vị này nói.

    Theo đó, ông Đính cho rằng, cần sớm tháo gỡ rào cản pháp lý để những dự án mới được triển khai, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, khi nguồn cung dồi dào thì sẽ kéo theo giá bán phân khúc chung cư được ổn định.



    Bài liên quan

    (0) Bình luận
    Nổi bật Giáo dục thủ đô
    Đừng bỏ lỡ
    Mới nhất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
    Nhà ở xã hội “bất ngờ” tăng giá gấp đôi, cá biệt có trường hợp tăng gấp 4 lần dù đã sử dụng gần chục năm