Nhân lực cho giáo dục STEM cần sự chủ động từ cơ sở đào tạo

Minh Phong | 11/05/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giải quyết bài toán GV còn thiếu và yếu ở một số địa phương khi triển khai thực hiện giáo dục STEM, cần sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo GV...

Trong đó, chú trọng đào tạo sinh viên sư phạm về phương pháp giáo dục này.

Giải pháp căn cơ

Là một trong những trường phổ thông triển khai giáo dục STEM thành công, TS Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) - nhấn mạnh, giáo dục STEM đã quán triệt trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các môn học liên quan. Theo đó, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua giáo dục STEM được nhà trường chú trọng, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thúy, giáo dục STEM không phải là môn học nên không có giáo viên chuyên trách. Để giáo viên có thể triển khai giáo dục STEM, nhà trường đã xây dựng tài liệu, với các mô-đun tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

“Tuy nhiên, để có thể triển khai giáo dục STEM trên diện rộng và thực hiện một cách căn cơ, các trường sư phạm cần chú trọng đào tạo cho giáo sinh về phương pháp giáo dục này. Được đào tạo bài bản, các em sẽ tự tin dạy học STEM sau khi chính thức trở thành giáo viên. Qua đó, từng bước lấp đầy sự thiếu hụt về nhân lực giáo dục STEM cho các địa phương và các trường phổ thông” - TS Nguyễn Thị Minh Thúy nhìn nhận.

Muốn vậy, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu cho rằng, công tác đào tạo giáo viên dạy STEM có thể tập trung vào các bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ; bởi STEM được linh hoạt, tích hợp nhiều môn. “Đáng mừng là các trường sư phạm đã hướng đến đào tạo cho sinh viên về dạy học STEM; xây dựng chương trình, tài liệu, mô-đun để đưa vào chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm” - TS Nguyễn Thị Minh Thúy bày tỏ.

Thực tế cho thấy, giáo dục STEM đã và đang được các cơ sở đào tạo giáo viên quan tâm, chú trọng. PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - cho hay, nội dung này được đưa vào đào tạo cho sinh viên sư phạm.

Hiện nay, nhà trường lồng ghép vào giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Toán và một số môn Khoa học xã hội, Âm nhạc. Ngoài ra, nhà trường có triển khai vào các nội dung thực hành, thực tế để khi sinh viên xuống các trường phổ thông có thể hỗ trợ giáo viên thực hiện giáo dục STEM, hướng dẫn học sinh thực hiện dự án học tập theo phương pháp này.

Nhân lực cho giáo dục STEM cần sự chủ động từ cơ sở đào tạo  ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được đào tạo về giáo dục STEM. Ảnh: Ngọc Hinh.

Bổ sung nguồn lực dạy học STEM

Với việc Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đưa các nội dung dạy học STEM vào hoạt động thực tập của sinh viên sư phạm thì hy vọng khi trải nghiệm thực tiễn, sinh viên sẽ phát triển năng lực này, khi ra trường các em có thể tự tin dạy học.

“Khi được đào tạo bài bản, căn cơ, tôi tin đội ngũ giáo sinh sẽ là lực lượng kế cận và bổ sung nguồn lực về giáo dục STEM cho các trường phổ thông” - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi, đồng thời cho biết, nhà trường đã xây dựng chương trình, mô-đun đào tạo cho sinh viên sư phạm về giáo dục STEM. Đây là phương pháp giáo dục được lồng ghép các môn học và nhiều hoạt động với nhau.

Bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2020 - 2021 để đào tạo ra đội ngũ cử nhân Sư phạm Công nghệ chất lượng cao đáp ứng giảng dạy Chương trình GDPT 2018, TS Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - nhấn mạnh, Học viện đặt mục tiêu, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Công nghệ, người học có khả năng tổ chức giảng dạy và nghiên cứu công nghệ, quản lí giáo dục, tham vấn giáo dục hướng nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên sau khi ra trường sẽ biết tích hợp giáo dục STEM trong dạy học công nghệ, phát triển kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau, có năng lực tự học, tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, có sinh viên có thể thiết kế dạy học công nghệ theo STEM và phát triển các chương trình dạy học tích hợp, giáo dục STEM.

PGS.TS Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay, từ năm 2019, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ - Giáo dục STEM. Qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở giáo dục hiện nay. Chương trình đào tạo của trường chú trọng phát triển ở sinh viên những năng lực, kỹ năng thích ứng bối cảnh mới về khoa học và công nghệ như: Năng lực công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, tư duy đổi mới sáng tạo.

Các giảng viên của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội gồm: Đỗ Hồng Cường, Phạm Việt Quỳnh, Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Thuần, Phan Thị Hồng The đã chỉ ra, có mối tương quan giữa vai trò của giáo dục STEM trong đào tạo sinh viên sư phạm.

Vì vậy, vai trò của giáo dục STEM trong nhà trường không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục STEM hay bồi dưỡng niềm đam mê với khoa học công nghệ, mà còn phải phát triển năng lực tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho sinh viên. Trên cơ sở đó, khi ra trường các em có thể thực hiện tốt hoạt động này ở trường phổ thông.

Vì vậy, cần quan tâm đến giáo dục STEM cho sinh viên; bổ sung tài liệu học tập, tài liệu tham khảo và tài liệu tự học về dạy học STEM dành cho sinh viên sư phạm; đồng thời chú trọng đến tích hợp giáo dục STEM trong đào tạo và ban hành cơ chế chính sách giáo dục STEM. Khi nào các cơ sở đào tạo giáo viên quan tâm, chú trọng đến vấn đề này một cách thích đáng thì việc gỡ khó đội ngũ giáo viên giảng dạy STEM sẽ được tháo gỡ nút thắt cả số lượng và chất lượng.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), có hơn 88.500 lượt bài dạy STEM đã và đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước trong năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023. Hai năm qua, có hơn 12.000 dự án tham gia cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và hàng ngàn dự án tham gia cuộc thi ở cấp quốc gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân lực cho giáo dục STEM cần sự chủ động từ cơ sở đào tạo