Theo ông John Maddison, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách sản phẩm kiêm Giám đốc Tiếp thị của Fortinet, sự thiếu hụt nhân sự phụ trách bảo mật là một trong những thách thức hàng đầu khiến các tổ chức gặp rủi ro. Điều này đã được thể hiện rõ qua kết quả của Báo cáo về khoảng cách kỹ năng an ninh mạng toàn cầu mới nhất của Fortinet.
Xu hướng phát triển của công nghệ cho phép các tổ chức lựa chọn những giải pháp tự động hóa nhằm giảm tải cho các đội nhóm đang phải làm việc quá sức, đồng thời cần tập trung nâng cao kỹ năng và đào tạo an ninh mạng cho nhân viên.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nằm trong số các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ tấn công mạng cao. Theo Báo cáo về khoảng cách kỹ năng an ninh mạng toàn cầu năm 2023 của Fortinet, trên dưới 90% lãnh đạo của các tổ chức tại khu vực lo ngại về an ninh mạng và ủng hộ việc thuê thêm nhân viên an ninh công nghệ.
Có tới 98% trong số họ mong muốn tuyển dụng được những nhân sự IT có chứng chỉ chuyên môn cao. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhân sự IT phải nỗ lực nâng cao kiến thức, tự hoàn thiện bản thân, đồng thời lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức cũng nên tạo điều kiện cho nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Gia Đức nhận định, đây là hồi chuông cảnh báo cho các tổ chức tại Việt Nam. Họ cần hành động thiết thực hơn để bảo vệ tổ chức của mình ngay hôm nay, bắt đầu bằng việc tăng cường đào tạo về an ninh mạng cho đội ngũ CNTT hoặc tuyển dụng những cán bộ có chứng chỉ về công nghệ. Theo quan điểm của Fortinet, việc nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Đó là lý do mà Fortinet đã bắt đầu hợp tác với các trường đại học, học viện tại Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia an ninh mạng cho sinh viên từ vài năm trước. Đây là hoạt động phi lợi nhuận của Fortinet nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho sinh viên trước khi họ tốt nghiệp và bắt đầu làm việc tại các tổ chức.
Tại Việt Nam, đến hết năm 2020, nhân sự lĩnh vực an toàn, an ninh mạng hiện có 50.000 người, trong khi ước tính đến hết năm 2021 sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực lĩnh vực này. Thống kê cho thấy, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực về an toàn, an ninh mạng. Xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc để bảo đảm nền tảng an toàn, an ninh mạng quốc gia cũng như đòn bẩy, thúc đẩy tiến tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Hiện, Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề đảm bảo an toàn thông tin (ATTT). Cụ thể, có nhiều tổ chức mới đã được thành lập như: Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục ATTT (Bộ TT&TT), Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ)…
Một số bộ luật về ATTT đã được ban hành như: Luật ATTT mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ATTT cũng được Chính phủ hết sức quan tâm như Đề án 99 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014.