Thống kê từ phòng đào tạo cho thấy, sinh viên đăng ký nguyện vọng 1 chỉ tuyển được 20 - 30% chỉ tiêu, số còn lại phải tuyển nguyện vọng 2. Điều này là thách thức lớn vì để đào tạo ngành khoa học cơ bản, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển thành chuyên gia”, TS Định nói.
Sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tham gia thuyết trình. |
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận, khoa học ứng dụng có vai trò quan trọng và cần thiết cho sự phát triển, tiên phong quan trọng của nhân loại. Tuy nhiên, khoa học ứng dụng không thể đứng riêng mà phải dựa vào khoa học cơ bản trong mỗi bước phát triển. Khoa học cơ bản đóng góp cho văn hóa, tạo khả năng phát hiện có tầm quan trọng to lớn về kinh tế và thực tiễn. Khoa học cơ bản là động lực cho sự phát triển và kích thích ngành công nghiệp, có tác động hai chiều với giáo dục và đào tạo.
“Thực tế, các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân thường có xu hướng thiên về khoa học ứng dụng nhằm mang lại giá trị thực tế. Trong khi đó, trường đại học coi trọng cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng để có thể cung cấp ra xã hội nguồn lực đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Tuy vậy, thực trạng tuyển dụng và đào tạo nhân lực nhóm ngành này hiện rất quan ngại khi người học ngày càng không có hứng thú theo đuổi.
Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), tỷ lệ sinh viên ngành khoa học cơ bản nhập học và tốt nghiệp giai đoạn 2014 - 2018 chỉ đạt 60%. Bên cạnh số lượng, chất lượng người học cũng là thách thức lớn với các trường nhằm cân đối nhân lực ngành nghề cho sự phát triển chung của xã hội”, PGS.TS Hồng Minh nói.
Khó khăn của công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực nhóm ngành khoa học cơ bản theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh đến từ 4 nguyên nhân chính gồm: Tính chất khó khăn của nghiên cứu khoa học cơ bản; Sức hút đối với xã hội và người học trong bối cảnh các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút được thí sinh có chất lượng tốt trong các kỳ tuyển sinh; Vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản chủ yếu là trong đơn vị hành chính, sự nghiệp nên mức thu nhập thấp. Đặc biệt, cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành chủ yếu nằm ở khu vực công nên lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và khẳng định cũng là rào cản không nhỏ.
Đồng quan điểm, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, cho rằng, học sinh không chọn học những ngành khoa học cơ bản vì tên gọi và thu nhập không hấp dẫn. Mặt khác trong bối cảnh công nghệ phủ sóng mọi mặt của đời sống, việc tìm kiếm một ngành học đón đầu xu thế, đáp ứng tiêu chí năng động, nhẹ nhàng và thu nhập cao là điều có thể hiểu nơi các bạn trẻ hiện nay.
“Từ kinh nghiệm bản thân cũng như nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất chính là việc chúng ta thiếu chính sách ưu đãi, thu hút cho nhân lực nhóm ngành này. Thiếu hụt thông tin, nhận thức trong xã hội về vai trò của khoa học cơ bản, danh mục tuyển dụng của các cơ quan… cũng tác động tới cơ hội việc làm. Từ đó dẫn đến tâm lý sợ và tránh né theo học nhóm ngành khoa học cơ bản”, TS Phương nói.