Ngoài giờ học môn Giáo dục công dân, phiên tòa giả định đang được nhiều trường học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức áp dụng, đưa tới một hình thức truyền đạt sinh động, dễ hiểu. Thay cho hình thức tuyên truyền bằng văn bản khô cứng, phiên tòa giả định giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các thông tin kiến thức liên quan đến pháp luật mà hiệu quả giáo dục cũng được nâng cao.
Tại Trà Vinh, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và ngành GD-ĐT thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức có hiệu quả phiên tòa giả định tại các trường học. Chủ đề được lựa chọn từ các sự việc nóng như bạo lực học đường, buôn bán sử dụng ma túy… góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để giáo dục, tuyên truyền sinh động, phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên vụ án có thật đã được tòa án xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Hình thức phiên tòa gồm có thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, trợ giúp viên pháp lý, bị cáo...
Mới đây, phiên tòa giả định đã được tổ chức tại Trường THPT TP Trà Vinh (Trà Vinh) do Liên chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp thực hiện với sự tham gia của hơn 200 học sinh.
Với chủ đề phòng, chống tác hại của ma túy, phiên tòa giả định đã nhận được sự ủng hộ của nhà trường, phụ huynh và học sinh. Theo cô Châu Hạnh Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, phiên tòa giả định là cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan, dễ hiểu, có hiệu quả. Phiên tòa có tác dụng răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong học đường, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên.
Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, với mục tiêu đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phiên tòa giả định nhằm làm “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa ra các tình huống pháp lý có trong thực tế, gần với tâm lý, độ tuổi của học sinh.
Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan, học sinh sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của đối tượng trong buổi xét xử. Những câu hỏi, trả lời nhanh giúp các em dễ tiếp thu các nội dung quy định của pháp luật đối với các hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa về phòng, chống ma túy.
Sân khấu hóa “phiên tòa giả định” do học sinh Trường THPT FPT Cần Thơ thực hiện. Ảnh: Q.Ngữ |
Những phiên tòa được học sinh Trường THPT FPT Cần Thơ mô phỏng thật sự ấn tượng. Những tình huống diễn xuất cao trào, gay cấn khiến cảm xúc của người xem như đang được tham dự trực tiếp một phiên tòa thật. Mô hình phiên tòa giả định dành cho học sinh khối 10, 11, 12 có cơ hội tìm hiểu pháp luật, từ đó các em rút kinh nghiệm trong cách hành xử, giao tiếp và tăng cường ý thức để “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Theo cô Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (Trường THPT FPT Cần Thơ), chương trình sân khấu hóa phiên tòa giả định kéo dài hơn 2 tháng với hơn 600 học sinh tham gia thu được 62 kịch bản. Các kịch bản này sẽ được tính 40% điểm thi giữa học kì I. Sau đó trường sẽ chọn ra 4 kịch bản xuất sắc nhất cho đêm diễn chung kết.
Trước khi tham gia diễn xuất trực tiếp, học sinh sẽ được các thầy cô bộ môn hướng dẫn và góp ý cho kịch bản. Học sinh không chỉ diễn lại một phiên xét xử, mà còn tự chuẩn bị từ khâu xây dựng kịch bản, quay phim dựng tình tiết giả định, phân công thành viên của lớp tham gia và phối hợp tổ chức dàn dựng để diễn ra một phiên tòa sinh động, mang diễn biến thực tế...
Những vụ xử án được học sinh Trường THPT FPT Cần Thơ lấy từ những câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày: Bạo lực học đường, hậu quả của việc yêu sớm, suy nghĩ bồng bột, phóng hỏa, cướp tài sản, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, buôn bán chất ma túy đầu độc trẻ vị thành niên…
“Sau mỗi phần thi của học sinh, thành viên ban giám khảo có cảm giác như đang ở trực tiếp tại phiên tòa. Rất ấn tượng với phần diễn xuất bởi các học sinh THPT đã có sự đầu tư, nhập vai đầy thần thái, hành động, biểu cảm đau khổ, những tiếng hét, uất hận khiến cho ban giám khảo không khỏi bất ngờ”, cô Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.
Những tình tiết tại phiên tòa đều gần gũi với môi trường học đường đã giúp nhà trường, giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật.
Nhận xét về phiên tòa giả định, Trần Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT FPT Cần Thơ cho biết: “Phiên tòa giả định không chỉ là sân chơi diễn xuất, mà còn rèn luyện thêm kiến thức cho học sinh. Đặc biệt, các cuộc thi liên quan đến tìm hiểu về pháp luật sẽ như một phần khen thưởng cho các bạn đã chăm chỉ và áp dụng tốt các kiến thức, điều luật vào xử lý tình huống đời sống thực tế..."
Để hoàn thành và mô phỏng một phiên tòa ấn tượng và đầy sức hút, em Bùi Gia Phúc, học sinh lớp 12A2 Trường THPT FPT Cần Thơ (đội đoạt giải Nhất) cho biết: “Lớp chúng em đã chuẩn bị trong 2 tuần cho mọi việc, từ quay dựng tình huống giả định đến nhập vai diễn xuất. Qua phiên tòa giả định, lớp chúng em càng khăng khít và thấu hiểu nhau hơn, đặc biệt biết lắng nghe ý kiến, cùng nhau tìm ra hướng giải quyết khi gặp khó khăn.
Phiên tòa giả định là chương trình học tập qua dự án, đây là cơ hội để học sinh được tìm hiểu pháp luật, giúp học sinh tiếp cận một cách rõ nét hơn về pháp luật. Ngoài việc học tập trên lớp, chúng em còn vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống ngoài xã hội”.
Nguyễn Thị Ngọc Mai, học sinh lớp 12 Trường THPT TP Trà Vinh cho biết: “Phiên tòa giả định rất bổ ích đối với bản thân em và các bạn vì nội dung dễ hiểu, được xem trực tiếp tại sân trường. Học môn Giáo dục công dân hoặc đọc các luật, văn bản luật rất khó nhớ nhưng phiên tòa giả định xem xong có thể áp dụng vào cuộc sống và tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật. Em mong rằng, những phiên tòa giả định ý nghĩa thế này sẽ được nhân rộng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng để học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.