Sách cổ ghi: Những người có thể trạng âm hư hoả vượng, âm hư nội nhiệt với các triệu chứng như người gầy, da khô, nóng, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng khô khát nước, trong lòng phiền muộn, bứt rứt, mất ngủ, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, sốt hâm hấp vào buổi chiều, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ nhạt… không nên dùng nhân sâm.
“Trẻ sơ sinh tuyệt đối không được dùng nhân sâm. Trẻ mới sinh các cơ quan nội tạng chưa hoàn thiện, thần kinh kém dùng nhân sâm đại bổ sẽ không tốt cho trẻ”, Lương y Vũ Quốc Trung lưu ý.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội đông y Hà Nội cho biết thêm, nhân sâm không nên dùng với trà, cà phê vì nó làm giảm đi tác dụng dược tính có trong nhân sâm. Người đang bị cảm sốt phong hàn, cảm mạo phong nhiệt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực, do nhiễm thấp nhiệt, sốt xuất huyết, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp, viêm loét dạ dày – tá tràng, bị giãn phế quản, ho ra máu, người bị cao huyết áp, bị bệnh hệ thống miễn dịch (ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp dạng thấp, da cứng…), phụ nữ đang mang thai....không nên dùng nhân sâm.
Mỗi ngày chỉ nên dùng 2-6g nhân sâm, tối đa chỉ nên dùng 20g. Dùng nhân sâm quá liều, kéo dài có thể gây ra hiện tượng chướng hơi, ăn uống kém. Người dùng nhân sâm kéo dài thường có thể gây ra tình trạng mất ngủ, giảm khoái cảm, tinh thần dễ bị kích động.
Nhân sâm là dược liệu đắt đỏ nên không ít kể làm giả để chuộc lợi. Vì vậy, chỉ mua nhân sâm còn mùi thơm có vị ngọt đặc trưng. Mua hàng nguồn gốc rõ ràng, tem chống hàng giả. Khi dùng không tự ý tăng liều, tăng số lượng ngày dùng để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.