Nhận thức đúng, thực hiện đúng

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 21/09/2022, 10:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước hết cần nhận thức đúng về hoạt động trải nghiệm; cùng với đó là tổ chức thực hiện đúng.

Nhận thức đúng, thực hiện đúng ảnh 3

Thầy Lâm Nhựt Nam (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn HS trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Đại học Võ Trường Toản, Hậu Giang.

Năm học 2022 - 2023 đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 10. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong số đó. Cụ thể, thời lượng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 105 tiết/năm học (3 tiết/tuần), nhà trường phân công cho GV chủ nhiệm lớp giảng dạy 1 tiết/tuần với nội dung sinh hoạt lớp; 1 GV phụ trách giảng dạy 2 tiết/tuần với nội dung hoạt động theo chủ đề, sinh hoạt dưới cờ được xếp thời khóa biểu chính khóa. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng có kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, thời gian đầu thực hiện có thể lúng túng và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, sự tham gia, hưởng ứng của HS cũng tác động đến hiệu quả môn học khi một số em tỏ ra tích cực, nhưng số khác thì thụ động. Kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn hẹp. Tính liên kết và chất lượng hoạt động ở các khối lớp không đồng đều.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả, rất cần sự quan tâm, định hướng, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường. GV phụ trách cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả các hoạt động. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức tổ chức nhằm thu hút đông đảo HS tham gia. Thiết kế, xây dựng nội dung mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc điểm nhà trường. Sự cộng tác, hỗ trợ của các lực lượng trong nhà trường (Ban Đại diện cha mẹ HS, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, GV phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học,…) là không thể thiếu; cùng với đó là huy động kinh phí từ nhiều nguồn.

Từ thực tế triển khai, để Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiệu quả, tôi cho rằng phải tiến hành tập huấn công tác tổ chức cho GV. Xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể, phân nhiệm khoa học, khả thi, định hướng được yêu cầu, giá trị cần đạt sau hoạt động. Thiết kế nội dung hấp dẫn, phù hợp nhu cầu, năng lực, sở thích,… của HS. Định hướng, chỉ dẫn rõ ràng về yêu cầu cần đạt cho HS khi tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tổ chức hoạt động giao lưu, chủ động học tập kinh nghiệm ở đơn vị bạn. Cuối cùng, tạo được môi trường năng động, sáng tạo, dân chủ cho HS thể hiện được bản thân mình một cách tốt nhất.

4. Cô Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp: Cần sự phối hợp thống nhất, đồng bộ

Nhận thức đúng, thực hiện đúng ảnh 4

Cô Nguyễn Thị Nhung.

Những năm học trước, Trường THCS và THPT Lômônôxốp thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, giúp HS gắn kiến thức với thực tiễn. Đó là những buổi sinh hoạt chủ đề, ngày hội STEM, ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tham quan học tập tại các bảo tàng, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, làng nghề, khu du lịch sinh thái... Qua hoạt động trải nghiệm, HS rèn luyện các kỹ năng mềm, hiểu sâu sắc hơn về kiến thức đã học, có ý thức giữ gìn văn hóa, truyền thống dân tộc. Nội dung trải nghiệm do nhà trường xây dựng dựa trên chương trình học, điều kiện thực tế mỗi năm.

Tuy nhiên, đây là hoạt động ngoại khóa, không mang tính bắt buộc. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung giáo dục bắt buộc trong chương trình. Khi triển khai hoạt động này ở khối lớp 6, 7, 10 có một số khó khăn hạn chế. Theo đó, GV chưa được đào tạo bài bản; các khối lớp học không đồng đều nên triển khai nội dung trong tiết Chào cờ khó đồng bộ; khó khăn trong kinh phí để tổ chức hoạt động. Một số HS còn hiểu trải nghiệm là tham quan, dã ngoại nên chưa chú ý trong giờ học.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả, GV cần nhận thức đúng về bản chất, quy trình thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm và cần bồi dưỡng những năng lực thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các lực lượng giáo dục trong nhà trường: Ban Giám hiệu, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ khi tổ chức.

Kinh nghiệm cá nhân giúp tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm là tạo không khí lớp học sôi nổi hơn, HS tham gia nhiệt tình hơn, giúp GV có nhiều cảm hứng dạy. GV cần sử dụng phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy, kỹ thuật dạy học, giao nhiệm vụ cho HS tìm hiểu, tổ chức hoạt động. Cùng với đó, tổ chức hoạt động thực tế như tham quan - dã ngoại, tập kịch...

5. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà - Trường THCS Trương Công Giai (Cầu Giấy – Hà Nội): Hiểu đúng bản chất mới có thể thực hiện sáng tạo

Nhận thức đúng, thực hiện đúng ảnh 5

Cô Nguyễn Thị Thu Trà và học trò trong giờ học.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lần đầu có mặt trong Chương trình GDPT 2018. Có lẽ, thử thách lớn nhất trong năm đầu thực hiện chính là tổ chức một hoạt động giáo dục mới dưới hình thức online. Làm thế nào để thu hút 100% HS trong lớp tích cực tham gia hoạt động do thầy (cô) tổ chức? Làm thế nào để hình thành kỹ năng, năng lực, phẩm chất cho HS một cách hiệu quả khi cô trò không được tương tác trực tiếp?

Bằng trải nghiệm của bản thân, tôi đã vượt qua những lúng túng ban đầu ấy bằng cách bám sát hướng dẫn của sách GV, hiểu đúng bản chất của tổ chức hoạt động trải nghiệm, kết hợp với sự sáng tạo, chủ động về công nghệ. Thực tế cho thấy việc tổ chức hoạt động giáo dục bằng hình thức online hoàn toàn có thể tiến hành một cách giản dị mà vẫn hấp dẫn.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiệu quả, GV giữ vai trò rất quan trọng. Thầy cô sẽ cần nhiều thời gian để tư duy về mục tiêu hoạt động, hình thức tổ chức, cách thức tổ chức,… Đặc biệt là cần linh hoạt sử dụng các phương pháp để vừa phù hợp với mục tiêu của hoạt động, vừa tạo hứng thú cho HS trong lớp.

Vì Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung giáo dục mới trong chương trình nên trước khi thực hiện một cách sáng tạo, tôi nghĩ cần hiểu đúng bản chất. Mỗi hoạt động mà các thầy cô thiết kế cần hướng đến tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế, thể nghiệm cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết vấn đề của thực tiễn đời sống tại nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi. Thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức, hiểu biết, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhan-thuc-dung-thuc-hien-dung-post608512.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhan-thuc-dung-thuc-hien-dung-post608512.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận thức đúng, thực hiện đúng