Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai). |
Còn tại Gia Lai, nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt Sở GD&ĐT đã điều động, biệt phái 93 giảng viên, giáo viên thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và một số trường THPT đến giảng dạy tại những trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết, năm học này toàn trường có 736 học sinh, trong đó trên 53% là người dân tộc thiểu số, như Tày, Nùng, Bana…
Theo thầy Sơn, hiện nay giáo viên biên chế của trường là 15 người, biệt phái 10 thầy, cô và hợp đồng 5 trường hợp. Tuy nhiên, hiện tại nhà trường vẫn còn thiếu 5 giáo viên và chưa có nhân viên văn thư, thiết bị.
“Việc thiếu giáo viên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Theo đó, khi giáo viên đi tập huấn thì nhà trường không thể phân công thầy, cô khác dạy thay. Bên cạnh đó, giáo viên ốm đau xin nghỉ phép thì không có người dạy thay, buộc nhà trường phải thay thế bằng môn khác. Sau khi thầy, cô hết thời gian nghỉ phép sẽ dạy bù”, thầy Sơn chia sẻ.
Cũng theo thầy Sơn, việc phân công giáo viên dạy liên cấp cũng khá khó khăn. Bởi hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường chưa đảm bảo. Do đó, đơn vị phải mượn 8 phòng của trường Tiểu học và Nhà văn hoá để các em học tập. Nên việc giáo viên phải di chuyển qua – lại giữa các điểm trường cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Thầy Nguyễn Văn Vui, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cho biết, bước vào năm học mới nhà trường còn thiếu giáo viên dạy Tin học và tiếng Anh. Để bảo bảo nhu cầu dạy – học nhà trường phân công giáo viên dạy liên cấp cho khối lớp 3. Qua đó, đảm bảo tất cả học sinh được tiếp cận với môn học và kiến thức.