Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 cấp THPT năm học 2024 - 2025.
Trong đợt “thi thử tốt nghiệp” tại Hà Nội vừa qua, có 148.003 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 31,86%.
Kỳ khảo sát diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/3 với sự tham gia của hơn 118.000 học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX thành phố. Số lượt thí sinh làm bài dự thi là 464.543 (chiếm tỷ lệ 98,54%); số lượng vắng thi: 1,54%.
Học sinh làm 2 bài kiểm tra bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp, Công nghệ định hướng nông nghiệp, Tiếng Anh. Học sinh làm bài theo đề chung do Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng.
Điểm trung bình môn toàn thành phố: Toán: 5,10; Ngữ văn: 5,62; Vật lý: 5,79; Hoá học: 5,91; Sinh học: 5,22; Lịch sử: 6,13; Địa lý: 5,14; Giáo dục kinh tế và pháp luật: 7,08; Tin học: 6,16; Công nghệ định hướng công nghiệp: 5,06; Công nghệ định hướng nông nghiệp: 6,29; Tiếng Anh: 6,28.
Đánh giá chung, kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân được cho là có sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT 2006 trong cấu trúc đề thi, nội dung thi, hình thức thi...
Tỷ lệ bài thi các môn đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) là 148.003 bài, chiếm tỷ lệ gần 32% trong tổng số bài thi. Toán là môn có điểm dưới trung bình cao nhất với 51,69%. Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn Ngữ văn là 34,03%.
Như vậy, các trường học của Hà Nội còn một bộ phận không nhỏ học sinh cần được tăng cường hỗ trợ từ nay tới trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điều này cũng cho thấy nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT của một số thí sinh Hà Nội còn cao.
Trao đổi về công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 sau khi có kết quả thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 cấp THPT năm học 2024 - 2025, bà Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa cho hay, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bám sát lớp, trên tinh thần hết lòng vì học sinh, không bỏ rơi em nào phía sau.
Đồng thời tiến hành phân loại học sinh trong 1 lớp đối với môn lựa chọn gồm những em đăng ký thi tốt nghiệp và không thi tốt nghiệp để có phương pháp dạy học, ôn tập phù hợp.
Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với thầy cô bộ môn rà soát năng lực học sinh qua việc học trên lớp, bài kiểm tra giữa học kỳ II, thi khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội… Từ đó phân loại học sinh để có phương pháp hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp đúng đối tượng.
Mặt khác, nhà trường cũng phát huy tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo đối với chất lượng giáo dục của môn mình được phân công giảng dạy; tranh thủ thời gian, kết hợp dạy và ôn tập, kết hợp giữa dạy trực tiếp và ôn tập trực tuyến hoàn toàn miễn phí, nhằm đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên nhắc học sinh theo dõi, hướng dẫn các em ôn thi tốt nghiệp trên app HANOI ON.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu của từng môn, cần bổ sung kiến thức, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lập danh sách gửi ban giám hiệu để tổ chức ôn tập miễn phí trong tháng 4 và tháng 5.
“Nhà trường xây dựng kế hoạch, chia lớp theo trình độ, phân công giáo viên dạy ôn tập miễn phí các môn thi tốt nghiệp THPT. Các bộ phận trong nhà trường tập trung toàn bộ cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 đạt kết quả cao”, bà Trần Thị Bích Hợp thông tin.
Căn cứ vào kết quả đợt thi khảo sát vừa qua do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức và thực tế của đơn vị, Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) đã điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12 từ nay cho đến trước khi thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Chia sẻ thông tin, bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) đồng thời viện dẫn: Nhà trường tổ chức lớp ôn tập ở hai hình thức gồm: Lớp đồng hành có các học sinh dưới 5 điểm hoặc những em cần bổ sung kiến thức 2; hai là lớp 25+ dành cho những học sinh có học lực khá giỏi.
Nhà trường sẽ xếp lại thời khoá biểu, để khoảng trống giúp học sinh chuyển về các lớp ôn theo nguyện vọng. Đồng thời, bố trí giáo viên có kinh nghiệm dạy ôn theo từng lớp. Thầy cô thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, giúp học sinh liên tục được cọ xát với cấu trúc đề thi.
Từ kết quả khảo sát, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện đúng chỉ đạo của sở về công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh; tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; trong đó chú ý độ phủ tỷ lệ chủ đề kiến thức ôn tập ở các môn theo hướng dẫn.