Nhiều khó khăn ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương

Hà An | 26/09/2022, 12:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát hoạt động các cở sở GDMN độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương, đoàn đã ghi nhận khó khăn ở các địa phương này.

Nhiều khó khăn ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương ảnh 2

Các thành viên đoàn kiểm tra và các cháu cơ sở mầm non độc lập An Bình.

Để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN, những năm qua Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, đặc biệt là trường, lớp mầm non KCN. Cụ thể, căn cứ Đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (Đề án 404) của Chính phủ, Bình Dương ban hành quyết định thành lập Ban điều hành Đề án của tỉnh và hàng năm đều ban hành Kế hoạch phân công các sở, ban ngành phối hợp thực hiện.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có KCN-CCN tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, giải pháp trong công tác lập quy hoạch, dành quỹ đất, xây dựng danh mục đầu tư xây dựng mới bổ sung hoặc xây dựng thay thế, mở rộng quy mô các trường mầm non. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN-CCN; hỗ trợ tiền đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN…

Nhiều khó khăn ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương ảnh 3

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Các địa phương phát triển KCN-CCN chủ động thực hiện công tác dự báo quy mô phát triển giáo dục, quy hoạch đất dành cho giáo dục, đồng thời công khai đất quy hoạch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp mầm non phát triển ổn định, bền vững. Công tác xã hội hóa giáo dục về GDMN đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương qua các chính sách cụ thể, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các ngành Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội… cũng đồng hành với ngành giáo dục tham gia quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMN độc lập.

Để tạo sự công bằng trong việc hỗ trợ chính sách phát triển, tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ… ngoài KCN-CCN; có chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục loại hình trường tư thục, vì một số trường sau thời gian nghỉ do dịch bệnh Covid-19 khi hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn. Tiếp tục có thêm các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào GDMN tại các KCN-CCN như: Tăng mức vay ưu đãi, vay vốn không lãi suất, miễn, giảm thuế… để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động.

Ghi nhận kiến nghị

Đồng chí Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN – Bộ GD&ĐT ghi nhận: "2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển mạnh GDMN ngoài công lập, đặc biệt KCN-CCC. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp để bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương và Đoàn giám sát, sẽ kịp thời báo cáo, tham mưu để Bộ GD&ĐT bổ sung hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Nghị định 105".

Phó Vụ trưởng Hoàng Thị Dinh đưa ra dẫn chứng như: Quy định giáo viên hưởng chính sách phải có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định, tuy nhiên hiện nay đang thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo GVMN theo Nghị định 71, Bộ đã có Kế hoạch 681 về nâng chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo giai đoạn 1 (2020 - 2025); Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 29 về việc ngưng hiệu lực về quy định chuẩn trình độ đào tạo tại một số Thông tư do Bộ GDĐT ban hành. Đề nghị Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo quy định tại NĐ 71, KH 681, Thông tư 29 để GVMN được nâng chuẩn trình độ đào tạo theo lộ trình, bảo đảm cho GVMN được hưởng chính sách theo NĐ 105 theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh khi áp lực gia tăng dân số cơ học, kéo theo đó là một loạt thách thức về chỗ ở, chỗ học tập, chăm sóc sức khỏe... Tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên, tỷ lệ trẻ em/lớp cao. Vì thế, cần có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giữ chân các cô giáo, duy trì các điểm nhóm trông trẻ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, với địa phương... "Tạo điều kiện để người lao động có chỗ gửi con là câu chuyện mà Biên Hoà và Đồng Nai phải tính. Bởi khi thu hút lao động từ các địa phương khác, lực lượng này giúp chúng ta phát triển. Nếu chúng ta quan tâm giáo dục tốt thì chúng ta giữ chân được nguồn lực lao động có chất lượng, được đào tạo và ổn định lâu dài" - bà Mai Hoa nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-kho-khan-o-cac-co-so-giao-duc-mam-non-doc-lap-tai-dong-nai-va-binh-duong-post609400.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-kho-khan-o-cac-co-so-giao-duc-mam-non-doc-lap-tai-dong-nai-va-binh-duong-post609400.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Đồng Nai và Bình Dương