Nhiều địa phương khác cũng đề cập đến khó khăn liên quan đội ngũ nhà giáo NCL, nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại địa phương có nhiều biến động. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội đối với đối tượng này được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động và theo thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục nên trong trường hợp GV bị thiệt thòi về chính sách, Nhà nước khó có thể kiểm soát hoặc can thiệp.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B, Long Biên, Hà Nội. |
Quan tâm hơn nữa đến quyền lợi nhà giáo
Chia sẻ về tình hình đội ngũ nhà giáo NCL, người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương Nguyễn Phương Dung cho hay: Toàn tỉnh có 7.071 GV, 1.100 CBQL, 43 GV, CBQL người nước ngoài đang làm việc trong các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước; 53 GV; 7 CBQL; 40 GV, CBQL người nước ngoài làm việc trong các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Địa phương đã ban hành chính sách riêng đối với đối tượng này trên địa bàn, như: Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021, quy định việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Sở GD&ĐT tạo điều kiện để CBQL và GV NCL tham gia hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng nâng cao năng lực do ngành tổ chức.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước đối với đội ngũ này trên địa bàn cũng còn nhiều bất cập. Để bảo đảm quyền lợi đội ngũ, bà Nguyễn Phương Dung cho rằng, cần ban hành chính sách hỗ trợ cho CBQL và đội ngũ GV NCL được tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng năng lực quản lý. Đồng thời, quy định rõ hơn về trình độ chuyên môn của nhà giáo công tác tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các trường ngoài công lập nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo các trường ngoài công lập yên tâm công tác, theo bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Lạc Hồng, Nhà nước cần xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục NCL, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại cơ sở giáo dục công lập.
Bảo đảm đối xử bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và NCL, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước. Có chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai trong lĩnh vực GD-ĐT; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục NCL.
“Cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA theo quy định của pháp luật liên quan; tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn tín dụng trong nước ưu đãi (nếu có). Ngoài ra, phải tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các trí thức, doanh nhân đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển GD-ĐT” - bà Lê Thị Thu Hương đề xuất.