Cần rõ ràng để thuận tiện cho người dân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Trung, chủ garage Khắc Trung Auto, đồng tình với các đề xuất mới của Bộ GTVT.
“Tôi thấy đề xuất này quá hợp lý, ngoài độ đèn cho đẹp thì đa phần chủ xe phải thay đèn cho an toàn vì lý do đèn xe chính hãng dùng công nghệ cũ, không đủ sáng, thiếu an toàn. Tuy nhiên, độ đèn hay thay đèn dù với mục đích gì thì phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật” - ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, thay đổi quá hợp lý, thuận lòng người dân. Nhưng việc thay đổi loại bóng đèn, kiểu dáng không nên trở thành tiêu chí đánh giá ngay từ đầu, chỉ nên kiểm tra về công suất điện tiêu thụ tối đa (phù hợp với từng dòng xe, đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép của hệ thống điện), góc chiếu (tránh ánh sáng làm chói người đối diện).
Bên cạnh đó, ông Trung cũng đề xuất thêm CSGT cần phạt xe bốn bánh lẫn xe hai bánh khi xài đèn pha (chiếu xa) trong TP nghiêm ngặt hơn. Vấn đề này gây mất an toàn cho phương tiện đối diện, gây hại cho mắt, ảnh hưởng đến cải thiện văn minh đô thị.
Đại diện một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM cũng đồng tình với việc những thay thế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, tất cả thay thế nên thông qua nhà sản xuất xác nhận, những bộ phận nào có thể lắp lẫn các năm sản xuất với nhau, phù hợp cùng một dòng xe nhưng khác đời xe.
“Theo quan điểm của tôi, đèn thay bằng đèn Bi LED về nguyên tắc thì độ sáng sẽ sáng hơn. Thế nhưng vấn đề được đặt ra là xe nguyên thủy được trang bị đèn Bi LED sẽ có hệ thống tự động giảm độ sáng khi nhận được ánh sáng ngược chiều, lúc này độ sáng sẽ phù hợp hơn để không gây chói mắt người điều khiển xe đối diện” - vị đại diện cho hay.
Cũng theo vị này, đối với xe độ đèn Bi LED thì không có cảm biến đó và sáng mãi, khi giữ nguyên độ sáng như vậy sẽ làm cho người đi ngược chiều chói mắt. Nếu cũng độ, chế của hãng, họ có hệ thống cảm biển đầy đủ thì nên cho phép.
Tương tự, đối với các hạng mục thay đổi khác, vị này cũng cho biết mặt ca lăng trong kỹ thuật là lắp vẫn được, không cần độ chế vẫn có thể sử đụng nếu cùng một dòng xe. Nó phù hợp với hệ thống túi khí, nếu không đúng, không phù hợp sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ông khẳng định các thay thế theo đề xuất của dự thảo là phù hợp nếu chứng nhận của đơn vị sản xuất xe.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho biết: “Hiện nay, một số nước trên thế giới chỉ nghiêm ngặt vấn đề kiểm định đối với các bộ phận có thể ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của xe, chứ không quá nghiêm ngặt từng bộ phận. Nếu thay đổi không gây ảnh hưởng thì vẫn được đăng kiểm bình thường”.•
Bạn đọc nói gì? Dự thảo đưa ra cũng gây xôn xao dư luận vì nhiều ý kiến cho rằng đây là điểm mở cho các chủ xe. Chia sẻ trên một nhóm mạng xã hội về ô tô, anh Nguyễn Đăng Khoa bình luận: “Đăng kiểm phải đồng bộ với Luật Giao thông đường bộ, như giá nóc được định nghĩa thế nào, để hàng lên đó thì để bao nhiêu, chiều cao bao nhiêu. Như thế sẽ thuận tiện cho chủ xe muốn lắp đặt. Nhiều bạn đọc cho rằng cần có định nghĩa rõ ràng về giá nóc, kết cấu xe… Ảnh: THY NHUNG Anh Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “Tôi thấy nên thay đổi phần định nghĩa kết cấu của xe, nên quy định kết cấu chỉ bao gồm là khung gầm, động cơ, kích thước bao của xe là đủ. Những cái khác là ứng dụng tùy chọn của chủ xe, theo như quy định kết cấu từ xưa giờ là như xe “zin”, các trung tâm đăng kiểm vẫn có thể quy vào chỗ đó để từ chối các hạng mục khác. |