“Một người bạn của tôi mua căn nhà phố thương mại tại dự án lớn ở Gia Lâm với giá 9 tỷ đồng, ở thời điểm mới mở bán. Đến giai đoạn sốt đất, căn nhà phố này từng tăng lên tới 16 tỷ đồng. Nhưng thời điểm 2022, do cần tiền, bạn tôi chấp nhận cắt lãi với giá 11,5 tỷ đồng. So với giá vốn, nhà đầu tư này vẫn lời 2,5 tỷ đồng. Nếu trừ đi chi phí cơ hội trong vòng gần 2 năm, nhà đầu tư lãi”, chị Hương kể lại.
Một nhà đầu tư tên Trần Tiến (42 tuổi, có tới 12 năm kinh nghiệm, Bắc Ninh) tiết lộ: “Tôi chỉ bán cắt lãi chứ không cắt lỗ”.
Trong danh mục sản phẩm đầu tư, anh Tiến phân bổ 50% vào nhà phố truyền thống (tức căn nhà nằm trên trục phố chính sầm uất) và shophouse dự án, 20% vào biệt thự và 30% vào đất nền.
“Khẩu vị” của nhà đầu tư này đó là sản phẩm nằm ở khu dân cư đông đúc, nằm sát với trục đường quy hoạch. Đối với bất động sản dự án, anh Tiến đặt ra tiêu chí pháp lý là hàng đầu, thiết kế quy hoạch và uy tín của chủ đầu tư.
Về vốn đầu tư, anh Tiến chủ yếu dùng vốn tự có, chỉ vay vốn từ 10-20% ngân hàng. Nhà đầu tư này rót tiền vào bất động sản từ giai đoạn năm 2015 đến 2019. Ở thời điểm 2020-2021, anh chủ yếu môi giới bất động sản.
“Đến năm 2022, tôi bán lô đất nền dự án ở Bắc Ninh với giá 3,5 tỷ đồng. So với vốn, tôi lời 1 tỷ đồng. So với thời điểm sốt đất, giá lô đất này cắt lỗ 20%. Vì đất của tôi nằm ở vị trí đẹp, dân cư đông nên thanh khoản không khó. Thế nên, tôi chỉ cắt lãi, không cắt lỗ. Năm 2023, tôi cũng cắt lãi căn nhà phố truyền thống. Nhưng mức giảm giá so thời sốt đất chỉ dao động 10-15%”, anh Tiến nói thêm.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty BĐS G.Empire thừa nhận: “Nhiều nhà đầu tư vẫn chỉ cắt lãi, không cắt lỗ”.
Họ chỉ giảm kỳ vọng về lợi nhuận so thời điểm sốt đất còn thực tế, so với giá vốn bỏ ra, họ vẫn lời. Trường hợp cắt lãi cũng không phải hiếm gặp. Thực tế, nhiều người bán lãi nhưng vẫn báo cắt lỗ. Do tâm lý người mua trên thị trường “thích săn hàng cắt lỗ”.