Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT có những điểm mới đáng chú ý trong quy định về dạy thêm, học thêm, tác động đến người dạy, học và phụ huynh.
Trong đó, hướng đến trao quyền chủ động cho người học, chấm dứt tình trạng học sinh đăng ký học thêm “tự nguyện” một cách miễn cưỡng.
Sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) dừng toàn bộ các lớp học thêm có thu phí được tổ chức tại trường. Trước đó, hầu hết lớp học thêm ngoài giờ chính khóa do giáo viên tổ chức mượn phòng học tại trường để dạy - học. Việc mượn phòng học để dạy học tại trường của giáo viên giúp những học sinh học 2 - 3 môn không phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn.
Cô Lê Thị Kim Bông - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Bình Sơn cho biết, trong lớp học thêm cô đứng lớp có ít học sinh đang theo học chính khóa tại trường, nhưng lớp vẫn tạm dừng để đợi hướng dẫn. “Khu vực gần trường ít trung tâm, cơ sở dạy thêm nên giáo viên khó chọn được nơi tổ chức phù hợp, chưa kể các thủ tục liên quan như giấy phép, thuế…”, cô Bông cho biết.
Hiện, một số giáo viên ở Đà Nẵng chọn giải pháp chuyển sang dạy học trực tuyến để hoàn thành ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp. Tuy nhiên, dù dạy trực tuyến hay trực tiếp thì bản chất vẫn là lớp dạy thêm. Đồng tình về quy định mới trong nghĩa vụ đóng thuế với giáo viên có dạy thêm bên ngoài, cô Bông cho biết, giáo viên sẽ cảm thấy việc dạy thêm được minh bạch, hợp pháp, tôn trọng.
Tại Đà Nẵng, hầu hết trường THCS xây dựng lại kế hoạch ôn tập tăng cường cho học sinh khối lớp 9. Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) chưa có phương án cho việc tổ chức ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 tại trường như những năm trước dù phụ huynh có nguyện vọng.
Thầy Hiệu trưởng Bùi Duy Quốc cho hay, phần lớn giáo viên đứng lớp các môn Ngữ văn, Toán và Anh văn có số lượng tiết dạy cao, vượt quy định, nên không thể phân công tham gia dạy ôn tập mà không thu phí. Trong khi ngân sách nhà trường không đủ để chi cho hoạt động này. Các trường khác cũng đang tự vận dụng và linh hoạt trong việc giảm một số tiết để giáo viên dạy bồi dưỡng lớp học sinh giỏi khối 8, khối 9 và không thu tiền.
Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Hải Châu, Đà Nẵng) đã chấm dứt các lớp dạy thêm sau giờ chính khóa. Sau giờ học, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên có một số giáo viên mở lớp dạy ngoài giờ khoảng 1,5 tiếng để hỗ trợ kiến thức thêm cho học sinh. Tuy nhiên, theo chị V.L.H. - phụ huynh có con đang học lớp 3 cho biết, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo tạm dừng dạy thêm từ sau Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, các lớp học kỹ năng, thể dục thể thao, nghệ thuật và quản lý học sinh sau giờ học của Trường Tiểu học Phù Đổng (Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn duy trì hoạt động. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trương Thị Nhã Trúc: “Các lớp học này hoạt động theo quy định của Nghị quyết 98/2022, HĐND TP Đà Nẵng quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trường có 546/1.500 học sinh tham gia các lớp này. Ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở, quán triệt giáo viên tuyệt đối không dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh sau giờ học chính khóa”.
Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) vẫn chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng đối với các lớp tiếng Anh làm quen ở lớp 1 và 2. Theo bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận, gần như các trường đều liên kết với một trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh cho học sinh khối 1, khối 2 theo hình thức xã hội hóa. Có trường chỉ dạy 2 tiết Anh văn/tuần với khối 1 và 2 nhưng có nơi dạy 4 tiết/tuần nếu có thêm giáo viên nước ngoài đứng lớp. Có thể hiểu đây là các lớp dạy thêm trong trường có thu học phí dù là lớp học liên kết.
Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: “Thông tư 29/2024 thay thế Thông tư 17/2012 có nhiều điểm mới, đặc biệt quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định lâu nay là cần thiết. Điều này giúp nhà trường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm của giáo viên bên ngoài trường. Qua đó chấm dứt biến tướng của việc dạy thêm, học thêm mà lâu nay dư luận bức xúc như dạy thêm, học thêm tràn lan, phụ huynh nhìn thái độ của giáo viên để cho con học thêm…”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học thì cho rằng, dù lâu nay có quy định giáo viên tiểu học không được dạy thêm cho chính học trò của mình, nhưng cán bộ quản lý các trường khó kiểm soát được hoạt động dạy thêm của giáo viên bên ngoài nhà trường. Trường và phòng GD&ĐT cũng không thể kiểm tra vì theo phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn là UBND xã, phường. Nhiều giáo viên khi có đoàn kiểm tra đến đã trình bày lý do nhận kèm con, cháu (dưới 10 em).
Sau giờ học chính khóa ở trường, nhiều giáo viên tiểu học tiếp tục dạy thêm học sinh của mình tại nhà riêng hoặc thuê phòng ở trung tâm gần trường. Trong khi đó, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày nên các em không cần học thêm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh vô tình tạo điều kiện để việc dạy thêm trái quy định ở cấp tiểu học diễn ra, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Như mới đây, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) có quyết định kỷ luật khiển trách về mặt đảng và viên chức với một giáo viên do tổ chức dạy thêm ở nhà cho học sinh lớp 1. Những trường hợp giáo viên tiểu học dạy thêm cho học sinh ở lớp chính khóa thường chỉ bị phát hiện khi có đơn thư phản ánh.
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT không cấm giáo viên dạy thêm chính đáng, nhưng giáo viên phải điều chỉnh, làm quen với cách thức mới. Tức là dạy thêm ở nơi được cấp phép và tuân thủ các quy định, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thuế. Họ phải đăng ký kinh doanh hoặc tham gia giảng dạy ở các trung tâm đã đăng ký.
Quy định là vậy nhưng để hiệu quả cần có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý không chỉ ngành GD-ĐT, ông Phạm Tấn Ngọc Thụy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, cần sự vào cuộc của phòng Tài chính - Kế hoạch quận/huyện cấp phép cho hộ kinh doanh.
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, hiện có gần 100 hồ sơ đăng ký cấp giấy phép kinh doanh hộ gia đình để thành lập các trung tâm dạy thêm. Đây có thể là người thân trong gia đình như chồng đứng ra đăng ký thành lập trung tâm để vợ dạy thêm. Tuy nhiên, trong cấp phép, cơ quan chức năng đã ghi chú cơ sở kinh doanh cần đáp ứng yêu cầu của cơ quan chuyên môn có liên quan, tức là ngành Giáo dục.