Nhiều sinh viên IT hối hận khi "đi làm lương nghìn đô nhưng thiếu bằng đại học"

KHÁNH SƠN/VTC News, | 30/11/2023, 20:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc sinh viên IT đi làm thêm không còn quá xa lạ, thậm chí nhiều bạn sẵn sàng bảo lưu kết quả học để đi làm.

Vốn đam mê máy tính từ nhỏ, ngay khi tốt nghiệp cấp 3, Linh đăng ký nguyện vọng vào trường Đại học Công nghệ. Năm 2019, sau khi trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, cậu hào hứng học tập và đạt nhiều kết quả cao, nhận được học bổng của trường.

Bước sang năm thứ 3, nhờ thành tích học tập tốt nên Linh được nhiều công ty ngỏ ý mời về làm việc. Lúc này, cậu bắt đầu phân vân giữa việc lựa chọn đi học hay đi làm.

Nhiều sinh viên IT hối hận khi đi làm lương nghìn đô nhưng thiếu bằng đại học - Ảnh 2.

Sinh viên bảo lưu kết quả học tập để đi làm và hệ lụy không thể lường trước. (Ảnh minh họa)

Sau nhiều đêm suy nghĩ, nam sinh quyết định nhận lời làm việc tại một công ty chuyên về lập trình tại Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, cậu chuyên lập trình web, sản xuất ra các trang web cho các công ty, đơn vị có nhu cầu. Mỗi tháng, mức lương 12 - 15 triệu đồng và tăng dần theo thời gian.

Lúc đầu, lịch làm và lịch học trùng nhau khá nhiều nên Linh phải xin nghỉ học nhiều buổi để đảm bảo tiến độ công việc. Nhận thấy nghỉ học nhiều không phải phương án tốt, cậu xin bảo lưu kết quả học tập để tập trung cho công việc.

Một năm sau, công ty đề bạt cậu nắm chức vụ cao hơn với mức lương hậu hĩnh 20 - 25 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng doanh thu). Tuy nhiên, công ty yêu cầu phải có bằng đại học. Lúc này, Linh mới tá hỏa vì bảo lưu một năm nên chưa có bằng.

Công ty hứa sẽ chờ Linh lấy bằng và cất nhắc vào vị trí phù hợp với năng lực. Linh vội vàng làm thủ tục xin đi học lại, đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa việc đi làm hoặc có thể làm online.

Đi học lại, Linh khá khó khăn trong việc bắt nhịp, lượng kiến thức cũng không nắm được. Chật vật với khối lượng nội dung của năm 3 và 4, nhiều khi cậu thấy nản chí, muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ về tương lai nam sinh lại cố gắng, nỗ lực để vượt qua.

Tháng 8/2023, Linh tốt nghiệp đại học. Cầm tấm bằng khá trên tay, quay trở lại công ty, lúc này chàng tân cử nhân ngớ người khi vị trí công việc trước kia giờ đã thuộc về của người khác. Công ty giải thích do đợi quá lâu nên phải tìm người khác thay thế.

"Em cảm thấy buồn vì bản thân không cố gắng học xuyên suốt 4 năm mà lại bảo lưu một năm chỉ vì ham đi làm. Nếu ngày trước cố gắng nỗ lực đi học và chỉ làm một vài công việc đơn giản phù hợp với kiến thức thì giờ em cũng đã ra trường sớm hơn một năm, cơ hội cũng đã khác", nam sinh bày tỏ.

Thầy Phạm Thái Sơn, giảng viên Đại học Công thương TP.HCM nhận định, hiện sinh viên đi làm thêm khá phổ biến, nhiều bạn gia đình giàu có vẫn đi làm thêm để học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên làm thêm để trang trải cuộc sống.

Theo thầy, làm thêm với thời gian vừa phải là tốt, vừa đem lại kinh nghiệm, tài chính, vừa cho sinh viên thử nghiệm những kiến thức đã học ở nhà trường. Tuy nhiên, nếu các em sa đà vào việc làm thêm sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức của mình. Đáng lo guồng quay đi làm khiến các bạn mệt mỏi hơn, quá tải, lúc đó việc học sẽ giảm sút.

Dẫn chứng về một sinh viên tại Đại học Công thương TP.HCM, thầy Sơn nói, năm 2018, 2019 bất động sản phát triển mạnh, Đăng say mê với công việc này vì mức thu nhập cao và quyết định bỏ học, mặc cho các thầy cô khuyên ngăn. Hiện Đăng cảm thấy hối hận nhưng không kịp.

"Tôi khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội, nhưng đừng để sa đà quá vào việc làm thêm. Các em cứ nói là người này người kia bỏ học mà vẫn thành công, nhưng thực tế là rất ít người bỏ học đại học mà thành công", thầy Sơn nói.

Theo VTC News
https://vtc.vn/nhieu-sinh-vien-it-hoi-han-khi-di-lam-luong-nghin-do-nhung-thieu-bang-dai-hoc-ar836020.html
Copy Link
https://vtc.vn/nhieu-sinh-vien-it-hoi-han-khi-di-lam-luong-nghin-do-nhung-thieu-bang-dai-hoc-ar836020.html
Bài liên quan
Các thương vụ M&A đình đám gọi tên Vingroup, Novaland, CapitaLand, Keppel Land, Trần Thái... chu kì mới sôi nổi của bất động sản dần lộ diện?
Năm 2014, thị trường M&A bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều sinh viên IT hối hận khi "đi làm lương nghìn đô nhưng thiếu bằng đại học"