Nhiều thách thức từ dạy học song ngữ

Đức Trí | 27/11/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc, song thực tế còn nhiều tồn tại thách thức.

Còn nhiều thách thức

Đến nay hiệu quả của chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ ở một số tỉnh. Tuy nhiên, còn không ít rào cản từ thực tế.

Trước hết đặc thù của vùng dân tộc miền núi, đặc biệt các địa phương vùng sâu vùng xa về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế xã hội… trở thành thách thức lớn đối với phát triển giáo dục dân tộc.

Trình độ, số lượng đội ngũ giáo viên tham gia chương trình giáo dục song ngữ còn hạn chế; số giáo viên có trình độ về tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) có song cơ bản là những giáo viên lớn tuổi nên việc vận dụng phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) cũng cho rằng việc dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số phải do chính giáo viên địa phương đảm nhiệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trình độ chuyên môn của số giáo viên người địa phương đạt chuẩn còn thấp nên việc giảng dạy chưa mang lại được hiệu quả như mong muốn.

Khi giáo viên chưa vững kiến thức tiếng Việt thì việc truyền tải đến cho học sinh chắc chắn khó đạt hiệu quả. Dù các nhà trường, địa phương đã tích cực bồi dưỡng, tập huấn trình độ giáo viên dân tộc dạy học sinh dân tộc nhưng vẫn cần tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp.

Nhiều thách thức từ dạy học song ngữ  ảnh 2

Giúp học sinh củng cố tiếng Việt từ nhiều phương pháp, hình thức giáo dục.

Từ thực tế cũng cho thấy, trong khi nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên lớn và cấp bách thì kế hoạch, chương trình, chuẩn nội dung, cơ sở đào tạo giáo viên dạy chương trình song ngữ vẫn còn là thách thức ở các địa phương.

Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của tiếng dân tộc (Jrai, Khmer; Mông... tại một số địa phương như Lào Cai, Gia Lai, An Giang) còn những khó khăn nhất định trong việc biên soạn chương trình, hướng dẫn giảng dạy. Dẫn đến giáo viên lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.

Ngoài ra, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với học sinh dân tộc mới chỉ thực hiện được ở các lớp có học sinh thuộc cùng một dân tộc thiểu số trong khi đại bộ phận các địa phương vẫn còn sự đan xen về cư trú của nhiều thành phần dân tộc. Giáo dục đa ngôn ngữ và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên có năng lực đa ngôn ngữ vẫn là vấn đề khó với ngành giáo dục các địa phương hiện nay.

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc. Đây là hướng tiếp cận góp phần khắc phục hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-thach-thuc-tu-day-hoc-song-ngu-post616788.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-thach-thuc-tu-day-hoc-song-ngu-post616788.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều thách thức từ dạy học song ngữ