Nhiều trường nâng cao kỹ năng hướng nghiệp của giáo viên

Ngọc Trang | 05/01/2023, 15:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhận thấy sự cần thiết của hướng nghiệp, nhiều trường học đã chú trọng tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ năng cho giáo viên.

Tăng cường giáo viên chuyên trách hướng nghiệp

Công tác giáo dục hướng nghiệp cần rất nhiều thời gian, công sức nhưng hầu hết những người làm công tác này chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn kiêm nhiệm. Họ chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp, những buổi tập huấn lại rất ít nên còn có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, nhiều giáo viên chỉ bám sát tài liệu của Bộ GD-ĐT và khó mở rộng thêm để giới thiệu cho học sinh.

Hiện nay, nhiều giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp là kiêm nhiệm, chưa có giáo viên chuyên trách nên mức độ tìm hiểu chuyên sâu vẫn chưa cao, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc và vốn sống của chính thầy cô. Các thầy cô chưa được tập huấn bài bản, chưa được hỗ trợ đầy đủ tài liệu, công cụ và các thông tin cập nhật về thế giới nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực của địa phương, phương pháp giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Do đó, nhà trường cần đẩy mạnh tạo điều kiện để giáo viên được bồi dưỡng năng lực chuyên môn về giáo dục hướng nghiệp, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp khi vẫn chưa có giáo viên chuyên trách hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác giáo dục hướng nghiệp chưa có sự giao lưu trao đổi kinh nghiệm, học tập cách làm hay giữa các trường, chủ yếu là tự làm và rút kinh nghiệm trong nội bộ trường. Vì vậy, cần nhân rộng các buổi gặp gỡ, giao lưu dành cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp.

Hoạt động hướng nghiệp không chỉ dành cho học sinh trung học mà ngay cả sinh viên và người đi làm cũng cần được hướng nghiệp. Nhận thấy nhu cầu này, nhiều năm qua, rất nhiều trường THPT đã tổ chức các tuần lễ hướng nghiệp để sinh viên có dịp tìm hiểu doanh nghiệp cần những tố chất gì ở các em khi ra trường. Ngoài ra, các buổi hội thảo, tập huấn hướng nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên.

Trước đó, hàng nghìn thầy cô giáo ở Hà Nội cũng đã được tham gia tập huấn "Kỹ năng đồng hành cùng học sinh trong hoạt động hướng nghiệp".

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, sở GD & ĐT Hà Nội nhận định: "Đây là chương trình tập huấn rất có ý nghĩa, giúp thầy cô có thêm công cụ, kiến thức để hỗ trợ các em học sinh trong công tác định hướng ngành nghề.

Trong thời gian vừa qua, Sở GD&ĐT thành phố rất quan tâm đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh trong đó có việc định hướng, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tuy nhiên công tác này vẫn có những khó khăn nhất định.

Vì vậy, cần có thêm các chương trình tập huấn, chia sẻ để tăng cường sự hiểu biết, cập nhật sự biến động của thị trường đào tạo, thị trường lao động cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Mục đích để xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp hiệu quả".

Khảo sát ngẫu nhiên sau các buổi tập huấn với 723 thầy cô tham gia bình chọn, mức độ hài lòng và rất hài lòng về thông tin hướng nghiệp chiếm tới 97,2%, về chất lượng chuyên gia là 97,7%.

Tháo gỡ khó khăn cho nhà trường

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà là người luôn trăn trở với việc đồng hành cùng học sinh trong định hướng nghề nghiệp. Cô Nhiếp đã cùng toàn bộ giáo viên chủ nhiệm 3 khối của nhà trường tham gia Chương trình tập huấn.

Cô Nhiếp cho biết: "Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. Một trong số nguyên nhân đó bởi chọn ngành, chọn nghề không đúng.

Để giảm con số này thì ngay từ khi học phổ thông, học sinh cần được trang bị kiến thức về hướng nghiệp và được trải nghiệm nó để xác định nghề mình dự định theo đuổi được chính xác hơn. Và chương trình GDPT 2018 có môn Hướng nghiệp, trải nghiệm nhằm đạt mục tiêu đó.

Tuy nhiên, thực tế là giáo viên chưa được đào tạo kiến thức chuyên môn về hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm. Đa số giáo viên làm việc này từ kinh nghiệm hoặc tự học của bản thân vì thế kiến thức, nghiệp vụ cũng như việc tổ chức thực hiện chưa bài bản, khoa học.

Việc tổ chức trang bị kiến thức hướng nghiệp cho các thầy cô trước khi bước vào thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 tháo gỡ phần nào khó khăn cho các nhà trường. Với lượng kiến thức được trang bị qua tập huấn cùng với việc tự nghiên cứu chương trình và SGK năm 2018, tôi tin mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi giáo viên đều có thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục môn Hướng nghiệp, trải nghiệm một cách hiệu quả."

Thầy giáo Chu Quang Đức, Trường THPT Mê Linh cho biết "Về cơ bản thì rất nhiều học sinh bây giờ cũng đã quan tâm nghiêm túc về nghề nghiệp khi còn đang học phổ thông. Tuy nhiên một số vẫn còn mơ hồ và chưa có góc nhìn về nghề nghiệp. Và còn chạy theo xu hướng cũng như các ngành hot để học. Khoá tập huấn này giúp tôi có cái nhìn bao quát hơn về nghề nghiệp, cung cấp cho em các phương pháp tiếp cận để vận dụng vào thực tế tốt hơn”.

Bài liên quan
Tư vấn, hướng nghiệp: Trò chủ động - trường đồng hành
Các trường THPT ở Nghệ An ngày càng đổi mới trong công tác tư vấn, hướng nghiệp để giúp học sinh lựa chọn phù hợp với đam mê, năng lực và điều kiện...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường nâng cao kỹ năng hướng nghiệp của giáo viên