Trong khi đó, cô Đào Thị Thu Trang - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Long (Hà Nội) cho biết, mô hình Ban tư vấn hướng nghiệp giúp cả phụ huynh và HS có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai. Với chương trình GDPT mới, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong tìm hiểu kĩ lưỡng chương trình, nội dung môn học trên lớp.
Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn SGK cũng là vấn đề được phụ huynh và các em HS quan tâm. Bởi chương trình GDPT mới xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực được kỳ vọng. Trong đó, tập trung vào các phẩm chất chủ yếu bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và các năng lực cốt lõi bao gồm năng lực chung và năng lực riêng.
Do đó, Ban tư vấn hướng nghiệp tư vấn giúp gia đình và học trò chọn đúng môn học ngay từ lớp 10 và tiếp tục đánh giá quá trình học tập theo từng tháng, trong đó nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu để có giải pháp phù hợp. Khi gặp tình huống khó, hai bên phụ huynh - nhà trường sẽ ngồi lại để tìm cách giúp các em cải thiện học lực, uốn nắn tính cách…
Cùng chất lượng giáo dục thì Trường THPT Hoàng Long luôn chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. |
Cô Đào Thị Thu Trang nhấn mạnh yếu tố gia đình rất có ý nghĩa đối với học sinh. Đó là quan hệ giữa cha mẹ, họ hàng, cách đối xử của cha mẹ đối với các thành viên trong gia đình.
“Giáo dục phẩm chất bắt đầu hình thành ở gia đình và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới HS khi ở trường - ngôi nhà thứ hai của học sinh. Do vậy việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là hết sức cần thiết. Phụ huynh cần nắm bắt được tình hình học tập của con từ đó động viên khích lệ con đạt được mục tiêu trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp.
Ở trường, GVCN hướng dẫn các con vạch ra kế hoạch học tập cá nhân, đồng thời ở nhà phụ huynh sẽ giám sát việc con sẽ thực hiện đúng kế hoạch đó. Như vậy, mối liên kết giữa nhà trường - phụ huynh mới thực sự hiệu quả, khăng khít, gần gũi”, cô Trang khẳng định.