Sài Gòn 24/7

Nhiều trường ở TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại

24/09/2024 12:08

Phụ huynh ủng hộ các trường tại TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên.

Tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6), giờ ra chơi không có cảnh học sinh (HS) tụm năm tụm ba chơi điện thoại. Thay vào đó, các em cùng chơi đá cầu, cờ vua, đọc sách, tham gia hoạt động thể thao. Bởi theo quy định, HS không được phép mang điện thoại vào trường.

Phụ huynh vui khi con không được mang điện thoại vào trường

Đang chơi đá cầu, Ngô Khải Anh, HS lớp 6, bộc bạch: “Nhờ có trò chơi này, em đã có thêm nhiều bạn mới. Chơi vừa vui vừa giải tỏa căng thẳng sau giờ học”. Khải Anh cho biết với quy định trên, em thấy rất thoải mái, không sợ bị mất điện thoại, tập trung hơn vào việc học, có thời gian trò chuyện với bạn bè.

Ở góc độ phụ huynh, chị Lê Thị Thu Nguyệt ủng hộ nội quy của trường. “Trước khi trường đưa ra quy định, từ đầu vợ chồng tôi đã xác định không cho con đem điện thoại vào trường vì rất khó kiểm soát” - chị Nguyệt nói.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6) chơi cờ vua trong giờ ra chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6) chơi cờ vua trong giờ ra chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo chị Nguyệt, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường là điều đúng đắn. Điều này giúp các con chú tâm vào việc học, có thời gian tham gia vào các hoạt động của trường cũng như chơi với bạn cùng trang lứa. Hiện trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để giờ chơi HS có thể tham gia, tạo môi trường giao tiếp và gắn kết.

Bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình, cho biết có ba lý do khiến trường cấm học sinh sử dụng điện thoại. “Khi tới trường, tôi muốn các em dành hết thời gian, tâm trí vào việc học và các hoạt động của trường.

Tôi muốn giúp phụ huynh hạn chế bớt thời gian con của họ sử dụng điện thoại bởi nhiều gia đình bất lực trong việc kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con.

Mặt khác, nhiều em sử dụng điện thoại chủ yếu để lên mạng xã hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực, mạng xã hội cũng có những yếu tố tiêu cực. Trong quá trình sử dụng, các em thường hình thành hội nhóm không tránh khỏi những mâu thuẫn. Quy định trên sẽ ngăn ngừa những sự việc không hay xảy ra” - bà Hồng nói.

Để hỗ trợ HS trong việc kết nối với gia đình khi có việc cần, bà Hồng cho biết trường đã gắn năm điện thoại bàn và cung cấp các số điện thoại để phụ huynh nắm. Đối với hoạt động giảng dạy, những tiết học cần tra cứu kết nối mạng, trường có hai phòng máy có thể tổ chức giảng dạy.

Sau một thời gian thực hiện, thầy Lê Chánh Thi, giáo viên công nghệ thông tin, rất vui khi thấy giờ ra chơi, học trò cùng nhau đá cầu, đọc sách hoặc thảo luận về một vấn đề nào đó.

Từ tháng 9 này, Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12 cũng cấm học sinh sử dụng điện thoại di động, kể cả trong giờ chơi.Trong khi đó, cũng là trường công tại quận 12, đây là năm thứ hai Trường THPT Trường Chinh không cho HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường.

Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng nhà trường, nói rõ: “Chúng tôi không cấm HS mang điện thoại vào trường nhưng các em không được sử dụng điện thoại tùy tiện. Các em chỉ được sử dụng đối với những tiết học giáo viên cho phép”.

Ông Trọng thừa nhận việc quản lý vấn đề này không đơn giản vì các em đã quá quen và bị hấp dẫn bởi những trò chơi trên điện thoại. Vì thế, trường tích cực truyền thông để HS hiểu rõ quy định và thực hiện tốt. HS chưa thực hiện đúng quy định bị nhắc nhở, thậm chí trường sẽ phối hợp với phụ huynh để giáo dục. Để giúp HS xa rời điện thoại, trường đầu tư cơ sở vật chất, các sân bãi để HS có thể vui chơi thể thao.

Nhiều trường nói “không” với điện thoại từ cách đây năm năm

Năm năm nay, Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, gồm cả giờ học và giờ chơi. Điều đáng nói công tác chuyển đổi số trong từng tiết học lại được trường đẩy mạnh.

Quy định học sinh không được mang điện thoại vào trường
Thông tư 32/2020 ngày 15-9-2020 của Bộ GD&ĐT có quy định: “HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải sở dĩ trường triển khai từ sớm vì giờ ra chơi, đa số các em dùng điện thoại để chơi game.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết học, trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất. Đến nay, trường đã có hai phòng máy vi tính, có kết nối mạng để tổ chức dạy học nếu giáo viên có nhu cầu. Bên cạnh đó, trường còn có thư viện thông minh được trang bị 50 máy phục vụ cho việc tra cứu thông tin cho các em.

Tương tự, đây là năm thứ năm, Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 không cho HS mang điện thoại vào trường. Điều này được nêu rõ trong nội quy của trường. HS sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị đánh giá hạnh kiểm nếu vi phạm nhiều lần.

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ trường có phòng máy, có máy chiếu để phục vụ cho việc dạy học. Vì vậy, sau khi làm việc với giáo viên, trường thống nhất không cho phép HS mang điện thoại vào trường.

Em Phạm Nguyễn Bảo Như, HS lớp 8, ủng hộ quy định trên. Nếu cần tra cứu bài, em sẽ chuẩn bị trước ở nhà hoặc hỏi thêm giáo viên. Nếu có việc cần liên hệ với gia đình, em sẽ xuống văn phòng hoặc nhờ các thầy cô giám thị.

“Không mang điện thoại vào trường em có thời gian trò chuyện với bạn nhiều hơn, giờ ra chơi em có thể xuống sảnh nghe nhạc hoặc vào thư viện đọc sách” - Như nói.

Như cho biết tại lớp học thêm buổi chiều sau giờ chính khóa, do ai cũng có điện thoại nên hầu như ít tiếp xúc, lớp học vì thế rất buồn.

Là giáo viên chủ nhiệm trong nhiều năm qua, thầy Thanh Phương nhìn nhận quy định trên hợp lý. Từng tham dự một tiết học được phép sử dụng điện thoại, thầy Phương nhận xét điện thoại giúp giáo viên dễ dàng tạo trò chơi gây hứng thú cho việc học nhưng lại mất sự kết nối và hạn chế sự thảo luận nhóm.

“Khi không sử dụng điện thoại, thầy có thể tổ chức nhiều hoạt động nhóm như kể chuyện, đóng kịch hay hát cùng nhau trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Nhờ vậy mọi người gắn kết với nhau hơn” - thầy Phương nói.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/nhieu-truong-o-tphcm-cam-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-c216a1605226.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/nhieu-truong-o-tphcm-cam-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-c216a1605226.html
Bài liên quan
XSHCM 18/11 - Kết quả xổ số TP.HCM hôm nay thứ 2 ngày 18/11/2024
VOH - Đón xem trực tiếp kết quả XSHCM 18/11/2024 hôm nay thứ 2 lúc 16h10 siêu nhanh và chính xác nhất - Xổ số TP.HCM 18/11, KQXSHCM 18/11, SXHCM 18/11

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
  • Công bố Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024
    một giờ trước Giáo dục
    Quỹ VinFuture vừa chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12 tại Hà Nội. Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường…
  • Miệt mài 'gieo chữ' ở vùng cao Phú Mỡ
    một giờ trước Giáo dục
    Vùng núi cao thuộc thôn Phú Hải (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đang ngày càng phát triển, đổi thay. Thế nhưng, bao năm qua có một điều không hề thay đổi ở ngôi trường của thôn, đó là sự miệt mài gieo con chữ và tình yêu thương của các thầy cô giáo dành cho học sinh dân tộc miền núi nơi đây. Có người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình âm thầm cống hiến cho những mầm non của núi rừng.
  • Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo cần được tăng quyền chủ động, sáng tạo và được bảo vệ
    một giờ trước Giáo dục
    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm nổi bật của dự thảo Luật Nhà giáo.
  • Tấm gương hết lòng vì học sinh thân yêu
    một giờ trước Giáo dục
    Trong 40 Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc khối Tiểu học năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng, Cần Thơ vinh dự góp tên nhà giáo Đỗ Thị Ngọc Quý.
  • Khát vọng học chữ trên Cao nguyên đá
    1 giờ trước Giáo dục
    Khi mặt trời khuất sau núi đá, tiếng tập đọc chưa rõ chữ lại vang lên ở vùng núi đá Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường ở TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại