"Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây"

Huỳnh Đức, | 01/12/2023, 06:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một vụ bạo lực học đường xảy ra thường có ba đối tượng xuất hiện: nạn nhân bị bạo lực, kẻ bạo lực và người chứng kiến bạo lực.

Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

"Sợ hãi" là một trong những cảm giác mà đã phần những người chứng kiến bạo lực học đường bám vào để viện lý do mình là người "đứng ngoài cuộc". Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng việc không đứng lên ngăn cản hành vi bạo lực chỉ đơn giản là... không phải chuyện của mình.

Dưới góc nhìn cá nhân, Linh Anh (20 tuổi, Hà Nội) cho rằng "hồn ai người nấy giữ, việc ai người nấy làm". Với tâm thế của một người đứng ngoài thụ động quan sát, Linh Anh thừa nhận bản thân không biết làm gì khi bạo lực học đường hay những trò nghịch dại, chơi đùa quá trớn xảy ra. Nữ sinh nghĩ cách giải quyết tốt nhất là im lặng để được "yên thân".

"Hồi cấp 2, lớp mình hay có trò mỗi lần ai đứng lên phát biểu sẽ đổ nước ra ghế để khi ngồi xuống quần sẽ bị ướt. Người chủ mưu thường là những bạn nam, còn 'nạn nhân' thường là các bạn gái. Nếu bạn nữ nào bị 'dính bẫy', ra chơi đám con trai sẽ túm tụm vào trêu 'Ê cái đồ tè dầm'. Nhiều người trêu dai còn khiến một số bạn khóc luôn, không dám đi ra ngoài.

Nhìn thấy vậy thì mình cũng chỉ biết yên lặng, luôn tỏ ra cứng rắn mạnh mẽ vì mình cũng là con gái mà, rất dễ rơi vào tầm ngắm của các bạn trai. Yên lặng để cho yên thân", Linh Anh chia sẻ.

Hối hận khi vì không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải

Như Hoa (19 tuổi, Sơn La) luôn cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến bạo lực học đường. Vậy nên, Hoa luôn né tránh những đám đông có hành vi kích động vì bản thân "không thể bình tĩnh được khi chứng kiến ai đó bị đánh, đá".

"Hồi cấp 3 trường mình thường xuyên xảy ra những vụ bạo lực học đường, nhưng không dám giờ dám chứng kiến hay 'hóng' gì cả vì mình rất sợ cảm giác nhìn thấy người khác bị thương, thậm chí còn run luôn tưởng chừng như mình đang là nạn nhân của bạo lực vậy", Như Hoa nói.

Đó là cảm giác của Như Hoa, còn đối với những người từng tận mắt chứng kiến bạo lực học đường như Hồng Nhung hay Hoàng Anh, thì cảm xúc của họ cũng không dễ chịu một chút nào.

"Sau vụ việc đó, mình luôn cảm thấy ám ảnh, tội lỗi", Hồng Nhung tâm sự.

Dẫu vậy, đặt trong trường hợp giả định nếu được quay trở lại ngày Nhung chứng kiến em nữ sinh khóa dưới bị "chị đại" đánh, thì có can đảm đứng dậy bảo vệ lẽ phải không, thì nữ sinh ngập ngừng một hồi lâu rồi bộc bạch bản thân thực sự… không dũng cảm được như vậy. Song, Hồng Nhung sẽ có những cách "đánh động" khác như báo với thầy cô, gia đình của nạn nhân trước khi vụ việc xảy ra.

Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Còn đối với Hoàng Anh, khi đặt trong trường hợp giả định nếu quay trở lại ngày đó, chứng kiến bạn cùng lớp của mình xô xát với bạn học sinh khác, Hoàng Anh có dũng cảm xông vào để ngăn cản vụ việc diễn ra trầm trọng nữa không, nam sinh vẫn khẳng khái nói chắc chắn sẽ làm như vậy.

"Kể cả khi người bị bạo lực không phải là bạn của mình, thì mình vẫn sẽ vào can ngăn. Đằng này còn là bạn cùng lớp, hàng ngày tiếp xúc với nhau, nên không thể ngó lơ được.

Dẫu biết không dễ để một ai đó dũng cảm đứng dậy để bảo vệ lẽ phải nhưng các bạn cũng đừng yên lặng với những hành vi bạo lực, đặc biệt là không lên cổ vũ hay có những hành vi nhằm kích động kẻ bắt nạt. Bởi như vậy chẳng khác gì là đang tiếp tay cho kẻ xấu cả", Hoàng Anh chia sẻ.

Ánh Tuyết (20 tuổi, Thanh Hóa) dù chưa từng chứng kiến bạo lực học đường, nhưng nữ sinh nghĩ mọi người không nên im lặng trước hành vi bạo lực, bởi như thế chúng ta sẽ dần trở nên thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi đau của người khác. Đây cũng chính là biểu hiện của sự vô cảm trước nạn bạo lực học đường.

Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Làm gì khi chứng kiến bạo lực học đường?

Khi chứng kiến bạo lực học đường nói chung, chúng ta không nên thờ ơ mà hãy có những hành động thiết thực nhằm phản đối và ngăn chặn những hành vi không chuẩn mực diễn ra. Tuyệt đối không im lặng, phớt lờ cho qua chuyện bởi như vậy chẳng khác gì đang "dung túng" để vấn nạn này gia tăng. Dưới đây là một số việc bạn có thể làm:

- Cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả nghiêm trọng.

- Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Bạn có thể thông báo cho gia đình, thầy cô hoặc trình báo cơ quan chức năng.

- Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân và cung cấp sự giúp đỡ hoặc yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần.

- Khuyến khích nạn nhân lên tiếng và cho họ biết rằng bạn luôn ủng hộ và bên cạnh họ.

- Không a dua, cổ vũ, tiếp tay cho những hành vi bạo lực học đường.

- Gọi số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 nếu bạn không biết phải làm gì hoặc cần được tư vấn.

Theo Phụ nữ mới
https://phunumoi.net.vn/nhin-ban-bi-chi-dai-trong-truong-danh-toi-chi-dam-dung-yen-vi-so-va-lay-d290480.html
Copy Link
https://phunumoi.net.vn/nhin-ban-bi-chi-dai-trong-truong-danh-toi-chi-dam-dung-yen-vi-so-va-lay-d290480.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây"